Người dân đổ xô đào đãi vàng ở Bồng Miêu

Trong lúc chờ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), hàng ngày, nhiều người dân kéo đến đây để khai thác vàng trái phép. Mỗi ngày, họ đem theo cơm nước vào rừng đãi vàng kiếm vài trăm ngàn. Khi bị công an truy quét, họ lập tức trốn vào trong núi.

Những ngày cuối tháng 8/2023, chúng tôi đến khu vực Nhà Thùng, Đồi Sim thuộc mỏ vàng Bồng Miêu - nơi diễn ra nạn đào đãi vàng trái phép. Từ trung xã Tam Lãnh, chúng tôi vượt đường dốc, đất đá lởm chởm để vào sâu bên trong rừng. Trên đường đi, không ít lần gặp những người đàn ông chạy xe máy từ trong rừng ra và lạng nhiều vòng nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy "thăm dò”.

Từ dưới bìa rừng, chúng tôi đã nghe tiếng máy nổ xay nghiền đá gầm rú inh ỏi, các lán trại tạm bợ "mọc" lên nham nhở. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau những tiếng máy nổ liền im bặt. Hỏi người dân mới biết, những người đàn ông kia chính là "chim mồi" của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Khi có người lạ xuất hiện, họ sẽ thông báo cho nhau để dừng hoạt động khai thác vàng, lẩn trốn vào núi. Đây cũng là cách các đối tượng trốn lực lượng công an khi bị truy quét.

Mỏ vàng Bồng Miêu được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước. Trong thời gian chờ đóng cửa mỏ, hàng ngày nhiều đối tượng kéo vào đây khai thác vàng trái phép. Dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi nhưng tình trạng này vẫn còn dai dẳng. Anh T. (ngụ xã Tam Lãnh) cho hay, từ sáng sớm anh đã cùng vợ đem theo cơm nước, cuốc xẻng, rổ nhựa vào Nhà Thùng để đào đãi vàng. Do cậu con trai học lớp 5 đang nghỉ hè nên phải dẫn theo.

"Dù biết đãi vàng là trái phép, nhưng sau vụ rẫy vợ chồng tôi không có việc làm nên vào đây mót vàng. Thu nhập từ đãi vàng kiếm được khoảng 200.000 - 400.000 đồng/ngày. Tôi bị đau nên ngồi đãi vàng, còn vợ đào xới đất đá”, anh T. kể và cho biết thêm, đất đá sẽ được bỏ vào rổ nhựa, cho nước chảy qua để xuống máng lọc lấy những hạt vàng li ti. Cũng theo anh T., lực lượng đãi vàng trái phép ở đây chủ yếu là người địa phương, ngày kiếm được vài trăm ngàn, đỡ vất vả hơn làm nông. Tuy nhiên, cũng có hôm vào đến bìa rừng thì nghe lực lượng công an truy quét nên vợ chồng anh phải trở về nhà.

Cho nước chảy qua rổ nhựa để đãi vàng

Cho nước chảy qua rổ nhựa để đãi vàng

Cách đó không xa, mẹ con bà H. (ngụ xã Tam Lãnh) cũng đang loay hoay đào đãi vàng. Để thuận tiện cho công việc, họ dựng lán trại tạm bợ để che nắng che mưa. Ngoài làm đồng, đi rẫy, lúc nào không còn việc làm mẹ con bà lại khăn gói vào rừng đãi vàng kiếm thêm thu nhập. Công việc bắt đầu từ sáng sớm, đến khoảng 15 giờ chiều thì họ ra về. Nơi bà đãi vàng, công an thường xuyên truy quét. Nhưng khi lực lượng chức năng rút thì họ lại tiếp tục.

Theo ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, sau thời gian tạm lắng, gần một tháng qua lại có nhiều người đến khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu. Ngoài khai thác tại chỗ, nhiều người dùng xe máy chở quặng về nhà. "Mấy ngày qua, chính quyền xã huy động tất cả nhân lực truy quét người khai thác trái phép để đóng cửa mỏ vàng ", ông Sự nói và cho rằng địa điểm khai thác mỏ rất rộng, địa hình núi hiểm trở, lực lượng công an xã và cán bộ địa phương ít nên tuần tra, kiểm soát chưa chặt chẽ. Chưa kể, các đối tượng khai thác vàng trái phép đều có nhiều "chim mồi" cảnh giới. Do vậy, phải mất thêm nhiều ngày nữa mới có thể đẩy đuổi người khai thác trái phép ra khỏi khu vực mỏ.

Lán trại tạm bợ "mọc" lên giữa rừng

Lán trại tạm bợ "mọc" lên giữa rừng

Đào xới đất đá tìm vàng

Đào xới đất đá tìm vàng

Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng năm 2005, giấy phép hết hạn năm 2016. Theo Luật Khoáng sản, hết thời hạn khai thác phải đóng cửa mỏ nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai. Mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Hậu quả, địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý. Tình trạng này còn dẫn đến mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập hầm, sạt lở núi gây chết người.

Tháng 3/2022, sau nhiều lần tỉnh kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện. Kinh phí từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước đó của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách tỉnh. Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thực hiện trên diện tích 368ha. Nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, nổ mìn đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.

Tiêu Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nguoi-dan-do-xo-dao-dai-vang-o-bong-mieu_151734.html