Người dân đừng quá tin vào những điều kiêng kỵ vô lý tháng cô hồn

Tháng Bảy âm lịch hàng năm luôn được coi là tháng cô hồn, xui xẻo, với nhiều kiêng kỵ ngày một thái quá, thậm chí mang đậm màu sắc mê tín dị đoan.

Theo dân gian, tháng Bảy âm lịch là tháng xá tội vong nhân (còn gọi là tháng cô hồn). Đặc biệt, nhiều người cho rằng, ngày rằm tháng Bảy là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương gian.

Vì vậy, ngay từ đầu tháng, mọi người đã truyền tai nhau những điều “đại kỵ” không nên thực hiện trong tháng cô hồn, như: Không đi chơi đêm; không ăn vụng đồ cúng; không nhặt tiền lẻ rơi; không treo chuông gió ở đầu giường; không cắm đũa giữa bát cơm…

Người dân đừng quá tin vào những điều kiêng kỵ tháng cô hồn

Người dân đừng quá tin vào những điều kiêng kỵ tháng cô hồn

Thậm chí có những điều đại kỵ khá vô lý: Không cắt tóc; không phơi quần áo buổi đêm; không để mũi giày dép hướng về giường khi ngủ… cùng rất nhiều điều kiêng kỵ khác.

Tuy nhiên những “đại kỵ” trên chỉ là những quan niệm nhuốm màu mê tín dị đoan. Trong Phật giáo, không có tháng nào là tháng cô hồn mà chỉ có mùa Vu Lan báo hiếu ứng với tháng Bảy âm lịch hàng năm.

Lễ Vu Lan báo hiếu nhằm giáo dục cho con người về lòng hiếu thảo, nhớ ơn các đấng sinh thành để từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo và thiện tâm với cuộc đời.

Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn. Đây là một nét đẹp nhân văn và cao cả của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đang có nguy cơ bị hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Mê tín dị đoan xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức và tâm lý là hai yếu tố quan trọng. Trong cuộc sống, mỗi con người đều luôn mong muốn được bình an, hạnh phúc, vì vậy rất sợ hãi khi phải đối diện với rủi ro, bất hạnh, khó khăn. Không vượt qua được tâm lý sợ hãi, con người dễ có hành vi mê tín dị đoan, điều này thậm chí tồn tại cả trong một bộ phận người dân có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội.

Hoạt động mê tín dị đoan thường “núp bóng” tín ngưỡng, tôn giáo, gây nên nhiều nguy hại. Thực trạng này đang ngày càng lan tràn. Nhiều thầy cúng, thầy bói xây dựng “điện thờ tư gia”, tụ tập đông người; nhiều tổ chức, cá nhân cầu cúng mang tính “buôn thần bán thánh”; việc dâng sao giải hạn bị thương mại hóa...

Tháng Bảy âm lịch- mùa Vu Lan báo hiếu với ý nghĩa và hành động đẹp, nhân văn sâu sắc. Việc khoác lên màu sắc mê tín dị đoan cần phê phán và bài trừ.

Tín ngưỡng, niềm tin vào tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người, Nhà nước tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, hành vi thực hành tín ngưỡng như thế nào cần được nhận thức đúng đắn và quy định trong một khuôn khổ nhất định. Để những điều mang ý nghĩa tốt đẹp như mùa Vu Lan báo hiếu không bị biến chất.

Thiết nghĩ, trong phạm trù vô hình như tín ngưỡng mọi biện pháp hay chế tài “cứng” chỉ phát huy một phần tác dụng. Nhận thức đúng đắn của người dân mới thực sự là giải pháp hữu hiệu giữ và bảo tồn được nét đẹp, truyền tải được tính nhân văn trong tín ngưỡng.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-dan-dung-qua-tin-vao-nhung-dieu-kieng-ky-vo-ly-thang-co-hon-269012.html