Người dân được cấp hạn mức thẻ tín dụng tối đa 1 tỷ đồng
Ngoài việc 'áp' hạn mức thẻ tín dụng tối đa đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về các hoạt động liên quan tới hoạt động sử dụng thẻ tín dụng.
Thông tư 26/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành mới đây sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19 ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ 3/3.
Theo đó, trong quy định mới, hạn mức thẻ tín dụng tối đa mà tổ chức phát hành được phép cấp cho cá nhân sẽ là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, để được cấp thẻ tín dụng có hạn mức tối đa này, chủ thẻ phải có tài sản bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu của tổ chức phát hành thẻ. Trong trường hợp chủ thẻ không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa sẽ là 500 triệu đồng.
Thông tư 26 của NHNN cũng sửa đổi một số quy định về việc thanh toán, rút tiền mặt của thẻ tín dụng.
Theo đó, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, chuyển khoản, rút tiền mặt và các hạn mức khác nhưng phải tuân thủ quy định của văn bản này cũng như của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.
Đặc biệt, đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày. Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Trước đó, tháng 11/2017, NHNN đã có dự thảo về việc cho rút tiền mặt qua các máy cà thẻ (POS) đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ với hạn mức tối đa là 5 triệu đồng/lượt. Theo cơ quan soạn thảo, hạn mức 5 triệu đồng là để hạn chế rủi ro và chỉ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết, còn việc thông đồng, tiếp tay cho các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch khống tại các đơn vị chấp nhận thẻ đều bị cấm.