Người dân được dùng lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới?

Không chỉ cho người dân dùng lòng đường để tổ chức đám tang hay đám cưới, Bộ GTVT còn đề xuất lòng đường (không phải đường phố chính) có thể sử dụng để tập kết rác, trông xe,...

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cấm và xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng lòng đường, hè phố trái phép. Tuy nhiên, thực tế cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, hè phố để phục vụ mục đích khác vẫn diễn ra phổ biến.

Điển hình nhất là việc dựng rạp đám cưới hay đám ma,... ở vỉa hè, lòng đường không ít thì nhiều cũng làm ảnh hưởng đến người đi đường, không đảm bảo an toàn giao thông. Mặc dù vậy, đa phần người dân đều mong muốn có phương án để hài hòa đôi bên, vừa đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng vừa tạo điều kiện cho người dân khi "nhà có việc".

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), trong đó có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng đường gây ùn tắc giao thông thậm chí để xảy ra các vụ việc tai nạn giao thông đáng tiếc.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: sự kiện chính trị và hoạt động văn hóa, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định. Cụ thể được sử dụng vào việc tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.

Đường cao tốc không cho phép sử dụng để thực hiện các mục đích trên, trừ khi có yêu cầu đặc biệt về quốc phòng, an ninh.

Thêm vào đó, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chỉ được thực hiện khi có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc có phương án phân luồng giao thông đường bộ tránh đoạn tuyến này.

Người dân dựng rạp tại những vị trí giao thông đông đúc khiến người đi đường rất khó 'thông cảm' dù ai cũng muốn tạo điều kiện cho những gia đình đang có việc hệ trọng.

Người dân dựng rạp tại những vị trí giao thông đông đúc khiến người đi đường rất khó 'thông cảm' dù ai cũng muốn tạo điều kiện cho những gia đình đang có việc hệ trọng.

Cũng theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định cũng quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.

Trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận không quá 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

"Cá nhân, tổ chức được cấp phép phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè khi kết thúc việc sử dụng; bồi thường thiệt hại gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…", Bộ GTVT đề xuất.

Bộ GTVT lên tiếng về nghi vấn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thiếu an toàn.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-duoc-dung-long-duong-de-to-chuc-dam-tang-dam-cuoi-169241124232332398.htm