Người dẫn đường lên 'nóc nhà Quảng Trị'

Giữa cánh rừng già rậm rạp, dốc dựng đứng, Hồ Văn Ma vừa gùi cõng gần 20kg lương thực, một tay cầm rựa phát cây dọn cỏ, phăm phăm tạo đường, chỉ lối cho đoàn gần 10 người phía sau trực chỉ đỉnh Voi Mẹp - 'nóc nhà Quảng Trị'.

 Hồ Văn Ma trên đường lên đỉnh Pa Thiên. Ảnh: HT

Hồ Văn Ma trên đường lên đỉnh Pa Thiên. Ảnh: HT

Một ngày đầu hè, đoàn cán bộ kiểm lâm Quảng Trị lập kế hoạch lên đỉnh Voi Mẹp để tìm kiếm dấu vết bò tót. Cũng như mọi khi, Hồ Văn Ma (38 tuổi), nhà ở bản Pin, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa là người được lựa chọn hàng đầu để dẫn đoàn lên đỉnh Voi Mẹp. Hồ Văn Ma có dáng người dong dỏng cao, gầy, bước chân thoăn thoắt, lanh lợi của một người hay đi rừng ở núi.

8 giờ sáng, cả đoàn xuất phát ở ngọn đồi phía bắc của bản Pin. Đoạn đường đầu tiên, dân bản vẫn hay vào rừng lấy mật ong và các sản vật dưới tán rừng nên vẫn còn lối mòn. Tuy nhiên, càng vào sâu, dốc càng dựng đứng, lối mòn mất hẳn. Đường đi bây giờ dựa hoàn toàn vào trí nhớ và kỹ năng đi rừng của Hồ Văn Ma. Trên lừng gùi cõng gần 20kg lương thực cho đoàn, một tay cầm cây rựa sắc để phát cây rừng làm lối đi, Hồ Văn Ma phăm phăm đi trước tạo lối cho đoàn. Không có bất kỳ một vật dụng hiện đại nào như la bàn hay thiết bị GPS, anh Ma nói việc đi rừng phải định hướng theo sông suối và các đỉnh núi. Xác định được hướng núi, người đàn ông này cứ thế dấn tới. Lâu lâu, ở những địa thế bằng phẳng hoặc có những tảng đá to, anh Ma dừng chân để cả đoàn nghỉ lấy sức.

Đường lên Voi Mẹp có những đoạn men theo suối, vượt qua những tảng đá mồ côi đầy rêu xanh, nhưng cũng có những đoạn băng rừng rậm rạp. Đặc biệt là ở đoạn rừng gần đỉnh Pa Thiên, cây trúc mọc cao quá đầu người, sương mù dày đặc che khuất lối đi. Những lúc như thế này, Hồ Văn Ma chọn một cây cao rồi thoăn thoắt leo lên đến ngọn cây để xác định hướng đi.

Với mỗi đoàn khác nhau, anh Ma lại chọn những con đường khác để phù hợp với sức vóc từng thành viên trong đoàn. Có những cung đường ngắn nhưng dốc dựng đứng tốn nhiều sức chỉ phù hợp với người khỏe mạnh, có những cung đường tốn thời gian và sức bền hơn nhưng đỡ dốc nhiều lần.

Trong những lần dừng chân, Hồ Văn Ma tâm sự lần đầu lên đỉnh Voi Mẹp là khoảng năm 1997. Bấy giờ, anh Ma cùng với một nhóm người trong bản lên đỉnh núi để lấy xác máy bay rơi từ hồi chiến tranh về bán, đổi lấy ít gạo, lương thực qua ngày. Anh Ma kể trên này có ba điểm máy bay rơi, gồm hai ở Voi Mẹp, một ở chân Pa Thiên có độ cao thấp hơn. Với những người sinh ra ở núi rừng như anh Ma, việc lên Voi Mẹp và về lại bản chỉ trong một ngày đường. Anh thường lên đây lấy nhôm đồng, thép trắng, inox từ máy bay về bán. Những năm sau này, xác máy bay bị khai thác cạn kiệt, chỉ còn lại sắt vụn giá rẻ hoặc quá nặng để mang về, anh Ma mới thưa dần những chuyến đi lên Voi Mẹp. Dù vậy, trong tâm trí của anh vẫn nhớ như in hình bóng đỉnh voi Mẹp và những cung đường giữa rừng già thâm u.

Cho đến năm 2008, anh Ma dẫn một đoàn khoảng 10 người, gồm cán bộ kiểm lâm và một số trai bản gùi cõng đồ lên Voi Mẹp để kiểm tra bò tót. Một lần nữa, anh Ma lại lên Voi Mẹp, được tìm về với đỉnh núi gắn với thời thanh niên sôi nổi. Chuyến đi kéo dài hai ngày giúp những kiểm lâm viên tận thấy dấu hiệu của loài bò tót quý hiếm ở núi rừng Quảng Trị.

Sau chuyến đi đặc biệt này, Hồ Văn Ma có thêm một năm gắn bó với các kiểm lâm viên lên đỉnh Voi Mẹp đặt bẫy ảnh. Những chuyến đầu tiên, cứ cách một tuần anh Ma lại dẫn đường lên Voi Mẹp. Sau này, khi bẫy ảnh đã ổn định, việc thay pin, đổi thẻ nhớ diễn ra thưa hơn, việc lên Voi Mẹp cũng vì thế mà kéo giãn.

Biệt danh “người dẫn đường lên Voi Mẹp” cũng dần hình thành từ đó. Nhiều đoàn khoa học, kiểm lâm, hay các đoàn MIA tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ… cũng tìm đến nhờ Hồ Văn Ma dẫn đường. Trên đường dẫn lên đỉnh Pa Thiên, anh Ma chỉ vào một tấm bạt màu xanh cũ nát ven suối, nói đây là lán của một đoàn MIA do anh dẫn lên. Nhiều lần, Hồ Văn Ma dẫn các nhà khoa học lên Voi Mẹp khảo sát cây rừng, tìm mẫu vật.

Người đàn ông hai con không nhớ rõ đã có bao nhiêu chuyến dẫn đường lên Voi Mẹp, nhưng luôn nhớ kỹ từng bờ suối, từng nhánh rẽ trên cung đường dẫn lên đỉnh núi huyền thoại này. Sau mỗi chuyến đi, Hồ Văn Ma được các đoàn bồi dưỡng một khoản tiền để mua gạo cơm, mắm muối cho gia đình. Nhưng cái được lớn nhất là các chuyến đi do anh Ma dẫn đường đều trở về an toàn, sự phong phú, đa dạng của động, thực vật ở Voi Mẹp được ghi nhận đầy đủ hơn và địa danh “nóc nhà Quảng Trị” được nhiều người biết đến hơn.

Hoàng Táo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149870