Người dân gặp khó khi phòng khám khu vực không điều trị nội trú
Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9/1/2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, các phòng khám đa khoa khu vực sẽ không thực hiện điều trị nội trú, chỉ khám, chữa bệnh ngoại trú và tổ chức giường lưu theo dõi người bệnh nhưng không quá 72 giờ. Quy định mới này đi vào thực hiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở vùng cao Lào Cai.
Trong những năm qua, hệ thống phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò là “cánh tay” nối dài của bệnh viện đa khoa cấp huyện, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và dự phòng; giúp bà con vùng sâu, vùng khó khăn được thụ hưởng dịch vụ y tế, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.
Phòng khám đa khoa khu vực là cơ sở y tế thuộc hệ thống khám, chữa bệnh và công tác dự phòng, thực hiện việc điều trị ở mức độ chuyên khoa cho cán bộ, công nhân viên và người dân trong một khu vực nhất định.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 phòng khám đa khoa khu vực tại 9 huyện, thị xã, thành phố, với 320 giường bệnh. Riêng trong tháng 4/2023, công suất sử dụng giường bệnh của các phòng khám đa khoa khu vực đạt 107%, trong đó một số phòng khám đa khoa khu vực có công suất sử dụng giường bệnh cao, như Phòng khám Đa khoa khu vực Minh Lương (Văn Bàn) đạt 145%; Phòng Khám Đa khoa khu vực Bản Lầu (Mường Khương) đạt 110%; Phòng khám Đa khoa khu vực Phong Hải (Bảo Thắng) đạt 114%; Phòng khám Đa khoa khu vực Tằng Loỏng (Bảo Thắng) đạt 117%... Những con số trên khẳng định nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại các phòng khám đa khoa khu vực là rất cao.
Theo Quyết định 2003 ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh về việc “Sắp xếp hệ thống các phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, có 14 phòng khám đa khoa khu vực chấm dứt hoạt động, trong đó có Phòng khám Đa khoa khu vực xã Y Tý (Bát Xát). Hiện nay, người dân ở xã Y Tý muốn khám và điều trị sẽ phải đi hơn 30 km xuống Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trịnh Tường hoặc Phòng khám Đa khoa khu vực xã Mường Hum. Quãng đường sẽ gấp đôi nếu người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Phòng khám Đa khoa khu vực Trịnh Tường trở thành nơi gửi gắm niềm tin về chăm sóc sức khỏe của bà con trong xã cũng như 4 xã lân cận là Y Tý, A Mú Sung, A Lù, Nậm Chạc. Bà Ly Thó Gơ, thôn Choản Thèn, xã Y Tý cho biết: Bị ốm, sốt, tôi được người nhà đưa xuống khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực Trịnh Tường. Tôi rất yên tâm khi điều trị tại đây, các bác sỹ rất chu đáo, quan tâm, chia sẻ với những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn như tôi. Tuy nhiên, quãng đường từ nhà đến phòng khám là trở ngại với không ít người dân khi bị ốm đau cần điều trị, nhất là bệnh nặng cần cấp cứu.
Một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi có mặt tại Phòng khám Đa khoa khu vực Bản Lầu (Mường Khương). Mới đầu giờ làm việc buổi sáng nhưng đã có khoảng 20 người ngồi kín hàng ghế chờ đợi tới lượt khám bệnh. Phòng khám Đa khoa khu vực Bản Lầu theo chỉ tiêu chỉ có 25 giường bệnh, nhưng để đáp ứng nhu cầu của người dân, số giường thực kê tại đây hiện là 48 giường và thường xuyên vượt công suất lên trên 50 giường. Năm 2022, tổng số người bệnh đến khám tại phòng khám tăng 187% so với kế hoạch, điều trị nội trú cho 1.400 người, với hơn 10.000 ngày điều trị, tăng 146% so với kế hoạch và tăng 33% so với năm 2021.
Bác sỹ Hoàng Văn Thịnh, Trưởng phòng khám cho biết: Phòng khám hiện tiếp nhận khám và điều trị cho bà con 3 xã: Bản Lầu, Lùng Vai và Bản Sen. Năm 2021, phòng khám được đầu tư xây dựng tòa nhà 2 tầng, đáp ứng công tác điều trị cho người bệnh; Phòng Hồi sức sơ sinh mới được đầu tư lồng ấp, đèn chiếu... Để phục vụ nhu cầu của bà con, chúng tôi đã triển khai một số dịch vụ mới, như phục hồi chức năng, xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, điện tim...
Bà Nùng Thị Hương, ở thôn Đội 8, xã Bản Sen trong thời gian lên trung tâm huyện thăm người nhà đã bị sốt, ho và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Sau khi bác sỹ chỉ định điều trị nội trú, bà đã xin về điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Bản Lầu để được gần nhà.
Tâm sự của bà Hương cũng là tâm sự của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Bản Lầu, đặc biệt là người dân ở những thôn xa như Tà San, Bồ Lũng, Na Hạ (xã Lùng Vai), Na Lốc, Cốc Phương (Bản Lầu)...
Ở địa bàn vùng cao như Lào Cai, phòng khám đa khoa khu vực có vai trò rất lớn và là cơ sở y tế gần dân, có được sự tin cậy của người dân. Câu chuyện cách đây gần 1 năm tại Phòng khám Đa khoa khu vực Sín Chéng (Si Ma Cai) vẫn được người dân nhắc lại. Một sản phụ mang thai 32 tuần tuổi, chuyển dạ sinh con sớm, sót rau, mất máu rất nhiều. Nhờ được các bác sỹ tại phòng khám xử trí kịp thời, sản phụ đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được di chuyển về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Hoặc mới đây, các bác sỹ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Pha Long (Mường Khương) đã cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân bị suy hô hấp, ngừng thở sau hút thuốc lào. Bệnh nhân được đưa đến phòng khám trong tình trạng tím tái toàn thân, SPO2 giảm còn 30%, tim rời rạc. Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ tuyến trên, y - bác sỹ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Pha Long đã cấp cứu suy hô hấp, ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Sau cấp cứu ban đầu thành công, bệnh nhân đã có mạch huyết áp ổn định, SPO2 tăng lên 95% - 97%. Đội cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương ngay sau đó đã có mặt tiến hành đặt nội khí quản do bệnh nhân vẫn hôn mê sâu và đưa về huyện tiếp tục theo dõi, điều trị.
Theo thời gian, những phòng khám đa khoa khu vực trở thành địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe của đồng bào vùng cao. Những cán bộ y tế làm việc tại đây với chuyên môn và trách nhiệm cao đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bà Phạm Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, việc triển khai các phòng khám đa khoa khu vực đã và đang giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe thuận lợi nhất, với chi phí thấp nhất.