Người dân gặp khó vì sạt lở, sụt lún

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở, sụt lún đất tại vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này gây thiệt hại nặng nề cho nhiều công trình giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA KHÓ KHĂN

Mùa khô đến sớm, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu của người dân tăng cao làm cho mực nước các tuyến kênh trong vùng đê bao huyện U Minh Thượng xuống nhanh, thêm nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng khô, cạn nước trên các kênh làm sạt lở, sụt lún đường giao thông nông thôn, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Mực nước trong vùng đệm U Minh Thượng hiện thấp hơn so với mực nước lúc chưa khô hạn từ 3-4m, cách mặt đường khoảng 5m nên nguy cơ sạt lở dọc các tuyến đường rất cao.

Một tuyến kênh trên địa bàn xã An Minh Bắc gần như cạn nước.

Một tuyến kênh trên địa bàn xã An Minh Bắc gần như cạn nước.

Theo nhiều người dân ở huyện U Minh Thượng, từ đầu năm 2024 đến nay, các ghe, vỏ lãi của huyện không còn vận chuyển hàng hóa như trước. Thương lái đến mua nông sản phải vận chuyển bằng đường bộ nhưng tình hình sạt lở, sụt lún ngày càng nghiêm trọng, có nhiều đoạn đường bị sụt lún không thể lưu thông, việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Chi phí vận chuyển cao, thương lái có phần ép giá hàng hóa của nông dân.

Chị Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận cho biết thông thường hợp tác xã đến chở hàng hóa tại nhà các thành viên, năm nay do tình hình sạt lở nghiêm trọng, xe không lưu thông được nên các thành viên phải chở bằng xe máy ra ngoài đường lớn, có hộ phải vác bộ vì không có đường lưu thông.

"Khó khăn trong khâu vận chuyển, nông dân còn khổ vì giá khoai lùn năm nay thấp hơn năm ngoái khoảng 9.000 đồng/kg”, chị Vỹ nói.

Theo anh Lê Văn Thức, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, hiện người dân địa phương đang chịu cảnh tôm càng xanh rớt giá. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài, đường sạt lở nên xe tải chở tôm không lưu thông được, chỉ vận chuyển bằng xe máy, tốn thêm chi phí vận chuyển. Tôm càng xanh vụ trước loại 15 con/kg có giá 120.000 đồng nhưng hiện giá chỉ khoảng 85.000-90.000 đồng. Với giá này thêm tôm không đạt năng suất, khả năng sau khi thu hoạch người nuôi không có lãi hoặc chỉ lãi được vài triệu đồng.

THIẾU NƯỚC NUÔI TÔM

Khô hạn kéo dài, người nuôi tôm càng xanh vùng đệm U Minh Thượng thiếu nước ngọt để duy trì nuôi nên đành cắn răng thu hoạch dù tôm chưa tới lứa. Tuyến kênh 3, ấp Công Sự gần như trơ đáy.

Theo ông Lê Văn Thống - Trưởng ấp Công Sự, tổ hợp tác nơi có tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh đầu tiên trong vùng đệm U Minh Thượng có 15 hộ nuôi với khoảng 75ha, cũng là tổ hợp tác đầu tiên của vùng đệm U Minh Thượng được Ủy ban nhân dân tỉnh thí điểm nuôi tôm càng xanh và khẳng định được hiệu quả nhiều năm qua. Nhờ chuyển đổi từ trồng mía sang nuôi tôm càng xanh, đời sống người dân ở đây khá hơn.

Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay nước ở tuyến kênh khô cạn, gây thiếu nước trầm trọng; các vuông tôm không có nước thay nên tôm chậm lớn, tôm bị bệnh chết. Hiện nhiều hộ không cầm cự nổi đã thu hoạch tôm dù chưa tới lứa.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, ngụ ấp Công Sự bơm nước vào ao nuôi tôm càng xanh.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, ngụ ấp Công Sự bơm nước vào ao nuôi tôm càng xanh.

Đang tháo nước vuông tôm chuẩn bị thu hoạch, anh Danh Việt, ngụ ấp Công Sự cho biết: “Lứa tôm này kéo dài 10 tháng nhưng không lớn. Tôi đành bán vì không có nước bơm vào vuông. Tôi nuôi tôm khoảng 6 năm nay chưa thấy năm nào khô hạn kéo dài và thiếu nước trầm trọng như năm nay”.

Anh Danh Việt lý giải dù nguồn nước trong vuông vẫn còn có thể cầm cự được nhưng do nguồn nước bên ngoài bơm vào thay thế không có nên tôm không lột vỏ được, không lớn. Ngoài ra, vuông tôm lâu ngày không thay nước sẽ gây ô nhiễm, mầm bệnh dễ phát sinh dẫn đến tôm chết. Bình thường tôm khoảng 10-12 con/kg người nuôi tôm mới thu hoạch; hiện tôm khoảng 15 con/kg đã thu hoạch.

Một số hộ nuôi tôm càng xanh khác ở ấp Công Sự khi tôm chưa có dấu hiệu thiệt hại thì tranh thủ nguồn nước bơm ra từ các vuông tôm đã thu hoạch để bơm nước vào với hy vọng có thêm ít nước chờ mưa xuống. Ông Nguyễn Hoàng Dương, ngụ ấp Công Sự cho biết: “Tôi tranh thủ bơm nước từ ngoài kênh vào, do có một số hộ bơm nước ra để thu hoạch tôm nhưng cũng không được bao nhiêu. Giờ chỉ hy vọng mưa sớm mới có thể cứu tôm vụ này”.

ũng theo ông Dương, nước bên ngoài bơm vào vuông tôm thời điểm này rất nguy hiểm do hầu hết có nguồn bệnh sẽ dễ lây sang tôm nuôi của gia đình. Thế nhưng bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, ông Dương vẫn bơm nước vào bởi theo ông hiện không còn cách nào khác.

“Tôi canh bơm nước vào vuông, lúc có nước, lúc không, tôi tốn tiền dầu bơm nước gần 200.000 đồng nhưng phải tốn 1,5 triệu đồng tiền thuốc để xử lý nước. Dù biết rủi ro rất lớn nhưng đành chịu. Cách đây khoảng 2 tháng tôi chuẩn bị thu hoạch nhưng vì thiếu nước làm cho tôm chết gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”, ông Dương nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết qua khảo sát, diện tích nuôi tôm khu vực vùng đệm có trên 700ha tôm nuôi từ 2-3 tháng, có khả năng thiếu nước ngọt cấp vào ao nuôi do nguồn nước ở các tuyến kênh hiện đã khô cạn.

Huyện U Minh Thượng đã đề xuất, kiến nghị về tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân giảm thiệt hại, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, huyện đề nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống kênh, xây dựng cống, đê bao kết hợp hồ chứa nước, xây dựng trạm bơm điều tiết chống ngập úng, sạt lở, sụt lún trong vùng đệm U Minh Thượng, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Bài và ảnh:THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/nguoi-dan-gap-kho-vi-sat-lo-sut-lun-19961.html