Người dân gồng mình chống nắng nóng

Những ngày gần đây, tỉnh ta là một trong những địa phương xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt, nhiệt độ dao động từ 37 - 39°C. Có nhiều thời điểm, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40°C. Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và công việc của người dân.

Thợ xây phải làm việc dưới nắng gay gắt. Ảnh chụp tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Tại TP Hòa Bình, trưa các ngày 29, 30, 31/5, trời nắng gay gắt như "chảo lửa”. Người dân khi ra đường ngụy trang kín mít bằng khẩu trang, áo chống nắng, kính râm. Vào buổi trưa đường vắng tanh. Các hộ kinh doanh hoa quả, rau xanh phải sử dụng hệ thống phun nước dưới dạng sương để làm mát, tránh trường hợp hàng hóa bị khô, héo do nắng nóng. Nhu cầu mua sắm, sử dụng các thiết bị điện chống nóng như điều hòa, quạt hơi nước tăng mạnh. Tại các siêu thị, cửa hàng điện máy 2 ngày cuối tuần (29 - 30/5), doanh số bán hàng của nhóm hàng điện lạnh tăng gấp đôi so với tháng 4. Riêng mặt hàng điều hòa, dòng inverter với ưu điểm tiết kiệm điện, làm mát nhanh được người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn..

Một số nghề người lao động phải gồng mình làm việc trong "chảo lửa”. Thợ xây coi nắng nóng là "khắc tinh” vì họ luôn phải phơi mình dưới nắng. Trời nắng chói chang khiến hiệu quả công việc thấp, do thường xuyên phải làm việc ở độ cao. Anh Nguyễn Văn Hưng, thợ xây thi công nhà ở tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Đứng trên giàn giáo tứ bề mặt trời chiếu rọi chúng tôi không biết tránh nắng ở đâu. Nắng cháy da, cháy thịt nhưng vẫn phải chịu. Trời nắng như mấy ngày nay, những người làm thợ xây chúng tôi phải rất cẩn thận vì phải thường xuyên làm việc ở độ cao vài chục mét. Nếu không cẩn thận sẽ bị "choáng” gây mất an toàn lao động. Ngày nắng anh em thợ chỉ biết uống nước đá cho mát thôi. Để đối phó với những ngày nắng nóng gay gắt, buổi sáng, tốp thợ của tôi làm từ 5h đến khoảng 10h thì nghỉ. Buổi chiều làm từ 14h30' đến khoảng 18h30' để đảm bảo sức khỏe.

Nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thu hoạch, phơi thóc lúa xuân. Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả có múi, cây rau màu lại phải đối mặt với nguy cơ héo úa, giảm năng suất. Bà con nông dân đang sử dụng các biện pháp chống nắng tạm thời như tưới nước, che màng cho cây. Đã 18h nhưng chị Lê Thị Nguyệt, xã Tây Phong (Cao Phong) vẫn cặm cụi ngoài đồng bơm nước cho từng hàng mía tím. Chị Nguyệt chia sẻ: Trời nắng gay gắt thế này, phải chiều tối tôi mới dám tưới cho cây, tưới đến đâu đất hút hết nước đến đó. Nếu không tưới nước đầy đủ cây mía sẽ không phát triển tốt, mọc thưa thớt, còi cọc vì thời điểm này là giai đoạn mía phát triển nhanh nhất.

Để chủ động ứng phó với nắng nóng kéo dài, ngành NN&PTNT khuyến cáo: Đối với cây rau màu, bà con thực hiện biện pháp phủ rơm rạ, làm giàn che lưới đen, thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất khi trời nắng nóng. Nếu có điều kiện nên áp dụng hình thức tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm vừa tăng hiệu quả. Đối với cây ăn quả, bà con cần tưới ẩm hàng ngày, không cắt tỉa cành, trồng mới các loại cây ăn quả khi thời tiết nắng gắt xảy ra. Có thể dùng rơm rạ, cỏ dại, bèo để che gốc giữ ẩm. Việc tưới nước cho cây thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều mát khi đất đã giảm nhiệt. Tuyệt đối không được tưới cây giữa lúc trưa nắng, cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt độ. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuyệt đối không sử dụng lửa gần rừng, không được đốt thực bì vào những ngày nắng nóng. Các địa phương sẵn sàng phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại tỉnh ta, nắng nóng sẽ kéo dài đến hết ngày 3/6, đỉnh điểm là ngày 3/6 nắng gay gắt với khoảng 40°C. Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo sản xuất, lao động ngoài trời cần có biện pháp che chắn, mặc quần áo thoáng, rộng, thấm mồ hôi. Đặc biệt, mọi người cần bổ sung thêm nước cho cơ thể.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/153057/nguoi-dan-gong-minh-chong-nang-nong.htm