Người dân góp sức giữ rừng

Để giữ được rừng, trong thời gian qua, ngoài lực lượng nòng cốt kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì nhiều người dân cũng tích cực tham gia góp sức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nhờ đó, những cánh rừng bạt ngàn của Đồng Nai được giữ vững và ngày càng xanh tươi, trù phú.

Mùa khô 2023-2024, ông Trần Ngọc Nông (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã trưng dụng chiếc máy cày của gia đình cho kiểm lâm sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra. Ảnh: A.Nhơn

Mùa khô 2023-2024, ông Trần Ngọc Nông (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã trưng dụng chiếc máy cày của gia đình cho kiểm lâm sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra. Ảnh: A.Nhơn

Dựa vào dân để giữ rừng

Ông Trần Ngọc Nông (ngụ ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) là một trong những gương điển hình trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai từ nhiều năm qua. Đặc biệt là mùa khô 2023-2024, ông đã trưng dụng tất cả các phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ làm vườn, rẫy của gia đình (máy cày, máy bơm nước, bồn chứa nước…) cho lực lượng kiểm lâm sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra. Nhờ vậy, một số đám cháy nhỏ trên địa bàn đã được dập tắt kịp thời, không để lửa cháy lan vào rừng.

Ông Nông cho biết, năm 1987, ông cùng gia đình rời quê Bình Định vào vùng đất Phú Lý (chỗ ở hiện nay) sinh sống, lập nghiệp. Nhờ chí thú làm ăn, điều kiện kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển. Hiện gia đình ông sở hữu 3 hécta vườn trồng cây ăn trái và cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Thời gian qua, gia đình ông Nông đã chấp hành nghiêm công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại địa phương. Mùa khô hàng năm, ông đều chủ động dọn dẹp vườn rẫy cho gọn gàng, đặc biệt là khâu xử lý thực bì phải đảm bảo, không để tình trạng lửa cháy lan vào rừng. Ông còn tích cực tham gia cùng kiểm lâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

“Trước đây, đời sống của bà con trong lâm phận còn khó khăn nên nhiều gia đình thường vào rừng thu hái các loại rau, quả rừng, săn bắt con thú nhỏ về cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, khi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì bà con đã hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Hiện đa số bà con đều làm ăn chân chính bằng công việc làm vườn hay đi làm công nhân và số người vào rừng trái phép đã giảm đáng kể” - ông Nông bộc bạch.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) Hồ Thái Nguyên nhận xét, ông Trần Ngọc Nông là một trong những hộ dân sinh sống lâu năm tại xã Phú Lý, là người gương mẫu trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Ông Nông là người tiên phong phối hợp với kiểm lâm đi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; vận động người dân không được trồng các loại cây ngoại lai trong rừng đặc dụng. Ông là người uy tín trong cộng đồng dân cư nên thuận lợi trong việc phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp đến người dân trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của bà con ngày càng nâng lên và chấp hành đúng quy định.

Ông Nguyên cho biết thêm, trạm hiện có 8 người, phụ trách quản lý khoảng 5 ngàn hécta rừng. Đặc trưng của trạm là phải quản lý địa bàn rộng lớn, lực lượng mỏng, trong khi người dân sống xung quanh rừng và canh tác trên đất giao khoán rất nhiều. Điều này khiến cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, đơn vị đã sớm áp dụng giải pháp dựa vào dân để giữ rừng rất hiệu quả.

Thời gian qua, nhiều gương điển hình tham gia bảo vệ rừng, PCCCR đã được lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai khen thưởng vào dịp tổng kết hàng năm. Việc tuyên dương, động viên kịp thời đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và giúp cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR ngày càng hiệu quả hơn.

Chung sức giữ rừng

Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cũng là gương điển hình trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc xuyên suốt 36 năm qua.

Ông Dũng cho biết, ông cùng gia đình từ quê Quảng Trị vào vùng đất Xuân Lộc (chỗ ở hiện nay) sinh sống, lập nghiệp từ năm 1980. Thời gian đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì công việc chưa ổn định. Đến năm 1986, khi biết Nhà nước có chủ trương phủ xanh đồi trọc, trồng cây gây rừng thì ông đã đăng ký tham gia. Ông được Lâm trường Xuân Lộc (sau này đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) cho nhận khoán 10 hécta đất để đầu tư trồng cây gỗ lớn (dầu, sao) và cây dài ngày (tràm, điều). Ngoài ra, ông còn trồng xen cây ngắn ngày (bắp, đậu phộng, đậu xanh, mì…) theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Đất đai màu mỡ kết hợp thời tiết thuận lợi đã giúp mô hình làm ăn của gia đình ông Dũng liên tiếp trúng mùa. Gia đình ông sau đó có thêm thu hoạch từ điều, tràm. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, có điều kiện xây dựng nhà cửa đàng hoàng và lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn.

Không những làm lợi cho gia đình, ông Dũng còn gặp gỡ những hộ nhận khoán trong vùng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, kinh tế của nhiều gia đình ngày càng phát triển, có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố và nuôi con cái ăn học đại học.

Khoảng năm 1988, Tổ Lâm nghiệp cộng đồng được thành lập và ông Dũng được bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng cho đến nay đã 36 năm. Với cương vị của mình, ông đã nỗ lực làm tốt “cầu nối” giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc với người dân nhận khoán. Những chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được ông tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến người dân nắm. Ngược lại, những tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng được ông phản ánh cho đơn vị chủ rừng nắm để có sự xem xét, giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, ông Dũng còn đề xuất Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của các hộ nhận khoán trên địa bàn như: tặng quà, động viên con em có thành tích học giỏi, sống tốt; thăm hỏi, động viên những gia đình có người đau, ốm hoặc chung vui với gia đình có tiệc tùng, đám cưới, đám giỗ… Nhờ đó, tình cảm giữa chủ rừng với người dân ngày càng gắn kết và giúp cho hiệu quả bảo vệ rừng, PCCCR ngày càng nâng lên.

Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi (Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) Nguyễn Văn Tỉnh nhận xét, thời gian qua, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng chấp hành đúng quy định của Nhà nước về việc trồng cây trên đất nhận khoán theo quy hoạch của rừng phòng hộ; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Dũng được người dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ Lâm nghiệp cộng đồng. Với cương vị này, ông đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như quy định của ban quản lý để các hộ nhận khoán thực hiện cho đúng.

Ngoài ra, các hộ nhận khoán có hoàn cảnh khó khăn đều được ông Dũng tận tình hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, trong mùa khô năm 2024, ông đã tích cực vận động bà con xử lý thực bì gọn gàng, không để việc đốt lửa, dọn dẹp nương rẫy làm ảnh hưởng đến rừng. Thậm chí, ông còn tham gia xử lý thực bì cùng với bà con cho đảm bảo.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/nguoi-dan-gop-suc-giu-rung-a3a4b21/