Người dân Hà Nội hạn chế ra đường, ưu tiên đi chợ qua điện thoại
Tình hình dịch phức tạp khiến một số tiểu thương tại Hà Nội đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
Đã 5 ngày nay, gia đình chị Kim Xuyến (trú tại phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa một lần ra khỏi nhà. Kể từ khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của UBND Thành phố, chị Xuyến dường như đánh mất hẳn thói quen xách làn đi chợ vào 7 giờ sáng mỗi ngày.
“Tôi chỉ vào siêu thị một lần/tuần để sắm sửa các loại nhu yếu phẩm cần thiết như đồ khô, đồ ăn liền, thịt, cá, rau tươi. Phần lớn thịt thà tôi lưu trong ngăn đá hoặc tủ đông để sử dụng dài ngày. Khi nào nhà hết rau, hết đồ tươi thì tôi đặt sẵn ở chợ rồi họ mang đến”, chị Xuyến kể.
Cuối tuần này, phường Phạm Đình Hổ bắt đầu phát phiếu đi chợ theo lượt cho người dân sinh sống quanh khu vực. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chị Xuyến vẫn ưu tiên việc đi chợ gián tiếp qua điện thoại và hạn chế ra đường.
“Tôi thường lưu hết số của tiểu thương trong chợ, nhất là hàng thịt, rau, gạo. Hôm nào bận không qua được là tôi đặt hàng trước. Khi nào rảnh hoặc vãn chợ là họ mang qua nhà, treo ở cửa rồi bấm chuông để mình ra nhận, tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Cách này rất tiện lợi, không tiếp xúc với người lạ và vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, chị chia sẻ.
Một số tiểu thương thậm chí lập nhóm trò chuyện cho những khách hàng quen thuộc. Thực phẩm được báo giá mỗi khi biến động trong nhóm. Khách chỉ việc đặt trước, để lại địa chỉ và số điện thoại là tiểu thương sẽ để riêng và giao sau.
Trao đổi với Zing, chị Hằng, một tiểu thương bán rau củ tại chợ Hôm, cho biết kể từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, công việc của chị nay nhẹ nhàng hơn so với trước. Thay vì cảnh mua bán tấp nập, việc phát phiếu đi chợ khiến mật độ người dùng mua hàng trực tiếp ở chợ thưa hẳn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa công việc bán hàng của chị kém đi. Tầm 10h sáng, sau khi vãn chợ, chị thường phụ chồng sắp lại số thực phẩm khách đặt để mang đi giao. “Túc tắc thì mỗi ngày khoảng 12-15 người đặt. Cuối tuần mọi người tự đi chợ nên cũng vắng hơn”, chị Hằng nói.
Không chỉ khu vực trung tâm, một số chợ dân sinh khác trên địa bàn thành phố cũng nở rộ phong trào đi chợ qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
Tại chợ dân sinh khu vực Đại Kim, Đại Từ, khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, một số tiểu thương bắt đầu chuyển sang họp chợ trên mạng xã hội. Vừa kết hợp bán trực tiếp, những tiểu thương này vừa đăng bài quảng cáo thực phẩm trên các hội nhóm.
“Nhà em rau củ quả sạch, không thuốc trừ sâu. Nhãn 15.000 đồng/kg, ổi 15.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ, cơm cháy 55.000 đồng 2 gói to... Ai qua chợ Xanh thì gọi em hoặc nhắn Facebook nhé”, một tiểu thương thông báo.
Đối với bất cứ ai có nhu cầu mua thực phẩm trong chợ, người dùng chỉ cần viết bài, đăng lên nhóm, không lâu sau đó sẽ có tiểu thương giới thiệu giá bán kèm ảnh hàng để lực chọn.
Tuy nhiên, việc mua hàng gián tiếp cũng phát sinh một vài vấn đề. Theo ghi nhận của Zing, không ít khách hàng sau khi mua thực phẩm trên mạng xã hội đã phàn nàn về chất lượng hoặc tình trạng của sản phẩm.
“Đôi lúc có trường hợp tiểu thương cân sai hàng hay tình trạng thực phẩm không tươi ngon nhất. Tất nhiên đồ ăn thức uống tự tay mình chọn bao giờ cũng an tâm hơn. Người dùng không nên phụ thuộc vào hình thức đi chợ hộ mà chỉ nên áp dụng mỗi khi cần thiết”, chị Xuyến cho biết.