Người dân Hà Nội, TPHCM có thể ngồi nhà đăng ký xe máy trực tuyến
Với việc áp dụng thí điểm kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe ô tô trực tuyến, thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ước tính chi phí tiết kiệm cho xã hội khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.
Chỉ đạo điều hành trên dữ liệu số
Sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành cơ quan có liên quan đã chính thức “bấm nút” khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đây là hệ thống do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là đơn vị xây dựng, vận hành và phát triển. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, thông qua các trang thiết bị và việc kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và Trung tâm điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành là nơi Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, làm việc trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tới thực địa khi có yêu cầu.
Đặc biệt là, thông qua những “con số biết nói” hiển thị tại Trung tâm, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo; giúp Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát, đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; Lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong Hệ thống hành chính nhà nước.
Tiết kiệm hơn 300 tỷ đồng/năm khi đăng ký xe máy trực tuyến
Đối với dịch vụ công thứ 1.000 được công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là thực hiện kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3. Trước mắt dịch vụ này được thực thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Ướ́c tính chi phí tiết kiệm được của xã hội từ việc thực hiện dịch vụ này khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ thứ 999 cũng được tích hợp trong ngày hôm nay là dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động. Dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 800 nghìn đơn vị sử dụng lao động, giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng hơn 344 tỷ đồng/năm.
Một dịch vụ khác cũng được tích hơp là thủ tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Dịch vụ này sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng.
Theo VPCP, hiện nay các đơn vị lao động hàng tháng đều làm bằng hình thức thủ công như chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNNN cho người lao động). Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này. Dự kiến số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hàng năm cho việc thủ tục này vào khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm.