Người dân hài lòng với chất lượng phục vụ của chính quyền
Theo công bố xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2022, tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để có được kết quả mang tính đột phá như trên, tỉnh Thái Nguyên đã có quyết tâm và sự chỉ đạo, triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 đặt mục tiêu và yêu cầu đối với nền hành chính Nhà nước là phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Để nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, như: Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; Chương trình CCHC Nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh giai đoạn 2022-2025; các kế hoạch CCHC, nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công hằng năm; thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, nâng cao chỉ số hiệu quản trị và hành chính công giai đoạn 2021-2025...
Trên cơ sở kết quả các chỉ số được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh phân tích kết quả và giao nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế cho các cơ quan, đơn vị; bố trí đủ nguồn lực triển khai CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022 là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này và tỉnh đã thực hiện hai nội dung trên như thế nào?
Năm 2022, ngoài nội dung đo lường sự hài lòng về việc cung ứng dịch vụ hành chính công, Chỉ số SIPAS còn mở rộng thêm nội dung đo lường các nhận định, đánh giá, mong đợi và sự hài lòng của người dân về việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân (gồm 8 nhóm chính sách: Phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; an sinh xã hội).
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các chính sách thiết yếu đối với người dân, trong đó chú trọng việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, cung cấp điện, nước sạch, đường giao thông, bảo đảm an ninh trật tự...
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thông tin về việc triển khai các chính sách và tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng nắm bắt, góp ý, phản ánh đối với quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách một cách thuận tiện, đầy đủ, nhanh chóng. Theo đánh giá, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đạt 85,72% (trung bình cả nước đạt 79,72%); tỷ lệ người dân được khảo sát cho biết đã quan tâm hơn và sẵn sàng tham gia góp ý vào quá trình xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách đạt trên 99%.
Đối với nội dung nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tăng cường cung cấp thông tin về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); liên kết Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Nguyên với Cổng dịch vụ công quốc gia qua cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, qua các ứng dụng mạng xã hội và các phần mềm tiện ích của tỉnh (như C-ThaiNguyen, ThaiNguyen-ID...) để người dân có thể dễ dàng truy cập, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất được tăng cường nhằm kịp thời chấn chỉnh kỷ cương hành chính, xử lý các hành vi gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong giải quyết TTHC.
Để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí khi giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; tăng cường hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; khai thác hiệu quả kho dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử… Qua đó đã nhận được những đánh giá tích cực của người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 với tỷ lệ hài lòng đạt 86,8% (trung bình cả nước đạt 80,08%).
Đạt thứ hạng cao đã khó, để duy trì và nâng cao Chỉ số SIPAS còn khó hơn. Vậy để làm được điều này, tỉnh cần tập trung vào những nội dung, giải pháp nào trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Mặc dù đã nhận được nhiều đánh giá khả quan từ phía người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 nhưng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; rà soát, đề xuất phân cấp trong giải quyết TTHC để giảm thiểu chi phí, thời gian khi giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích; chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng gây phiền hà, thái độ thiếu nhiệt tình, làm việc không hết trách nhiệm của cán bộ, công chức khi hướng dẫn người dân, tổ chức.
Cùng với đó, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Khai thác hiệu quả kho dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong giải quyết TTHC. Triển khai kịp thời, đầy đủ và hiệu quả các chủ trương, chính sách tới người dân, nhất là các chính sách thiết yếu. Kịp thời thông tin để người dân có thể nắm bắt, tìm hiểu và tham gia, đồng hành cùng chính quyền triển khai các chính sách…
Với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, chúng ta tin tưởng rằng mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều nội dung được cải thiện nhanh, mạnh hơn nữa.