Người dân Hải Phòng chen nhau mua bán tại phiên chợ Hàng cuối cùng của năm 2022 âm lịch
Vì là phiên chợ cuối cùng của năm nên lượng người đổ về chợ Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng mua sắm rất đông, đủ mọi mặt hàng. So với mọi năm, dường như xu hướng mua sắm cây cảnh Tết dòng hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Còn vài ngày nữa là đến Tết nguyên đán Quý Mão 2023, khắp các nẻo đường Hải Phòng, đâu đâu cũng là chợ hoa, tạo không khí rộn ràng hơn bao giờ hết.
Cũng như mọi ngày khác, chợ Hàng tiếp tục mở cửa vào ngày cuối tuần, chỉ khác phiên chợ cuối có phần mở rộng và trải dài hơn mọi năm bởi lượng hàng tập kết về nhiều, chủng loại phong phú hơn.
Chợ Hàng trước đây là chợ của làng Dư Hàng xưa, là nơi tập kết bày bán cây cảnh, vật nuôi, nông cụ sản xuất tập trung của Hải Phòng. Mỗi tuần, chợ chỉ họp 1 phiên duy nhất vào sáng Chủ nhật.
Như thành nếp sống quen thuộc bao đời, người có nhu cầu mua sắm hay không đều thích ghé chợ hàng thăm thú mỗi tuần. Khoảng 10 năm trở lại đây, chợ Hàng đổi khác nhiều bởi tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, thú vui gặp gỡ, giao lưu, mua sắm của người Hải Phòng ở chợ Hàng vẫn không hề mất. Lâu dần, nó trở thành một nét văn hóa đặc biệt, rất riêng của người Hải Phòng.
Cũng như bao phiên chợ khác, chợ Hàng lại tấp nập người bán, kẻ mua và ngập tràn hương sắc cỏ cây, hoa lá. Tại phiên chợ cuối cùng của năm, dường như không khí có phần gấp gáp, vội vã hơn bởi ai cũng muốn mua nhanh, bán vội để còn về lo Tết cho gia đình.
Bình thường chợ Hàng sẽ họp đến khoảng 11h30 rồi dần tan nhưng trong phiên chợ cuối hôm nay đến 16h chiều khung cảnh vẫn vô cùng nhộn nhịp.
Để chuẩn bị cho phiên chợ cuối cùng của năm Nhâm Dần, từ tờ mờ sáng, các xe tải chở hoa đỗ quyên, trạng nguyên, cúc, phong lan,… đã tập kết chật kín dọc lối đi vào chợ. Các nguồn cây ở chợ Hàng vô cùng đa dạng từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Sapa, Hải Phòng,… đều có mặt. Giá cả hàng hóa cũng khá đa dạng, từ bình dân tới cao cấp từ 30 ngàn đồng đến 10 triệu đồng, phục vụ đủ mọi nhu cầu của khách.
Người bán hàng chủ yếu là các chủ vườn từ Đặng Cương, An Dương (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Bắc Giang, Hải Dương... mang sản vật của vườn nhà mình tới chào bán. Có những mặt hàng dù biết kén người mua, khó bán nhưng chủ vườn vẫn thích mang tới phiên chợ cuối cùng của năm để mọi người cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức. Với người bán, ngoài việc trôi hàng thì việc mang nét tươi mới, nét độc tới phiên chợ cũng là một đam mê.
Theo lời tiểu thương Nguyễn Văn Học (bán cây cảnh lâu năm tại chợ Hàng), năm nay, người dân vẫn dành sự ưu ái cho những loại cây truyền thống như phong lan rừng, hải đường, quất, đào.
"Từ sáng đến giờ mình đã bán được hơn 100 giỏ phong lan, nhà vườn đánh ra không kịp. Những giỏ lan nhỏ này, khách rất yêu thích vì giá mềm chỉ từ 150.000 - 400.000/giỏ. Đã vậy, giỏ lan cũng dễ trưng, treo trước cửa hoặc đặt trên bàn uống nước vừa sang vừa đẹp. Chợ Hàng bình thường chỉ đông tầm sáng nhưng hôm nay là phiên cuối nên gần cuối ngày vẫn còn đông khách đổ về tìm mua", anh Học phấn khởi khoe.
Chị Lê Thị Khanh (tiểu thương đã gắn bó với chợ Hàng hơn 20 năm) kể: “Năm nay, tôi thấy bán rất tốt, sau mấy năm bị hạn chế họp chợ vì dịch COVID-19 thì năm nay lượt mua tăng mạnh. Đắt hàng nhất vẫn là các loại cúc, bên cạnh những loại cúc truyền thống năm nay có cúc Long Tu là loại mới tầm 300.000 /chậu. Sau cúc thì có đỗ quyên, trạng nguyên,…
Chỉ riêng ngày hôm nay, doanh thu quầy tôi đã được hơn 15 triệu đồng. Có thể nói với những người bán cây ở chợ Hàng thì năm nay có một cái Tết ấm rồi”.
Đi gần 15km từ Tiên Lãng để kịp đi phiên chợ cuối trong năm của chợ Hàng, anh Lê Việt Anh, 48 tuổi chia sẻ: “Tuần trước bận nên chưa ra được chợ Hàng. Còn mỗi phiên chợ cuối nên hai bố con rủ nhau cố gắng dành thời gian đi ngắm nghía, có cây gì hay thì mua.
Dạo quanh một vòng, cuối cùng cũng sắm được một chậu phong lan, đôi dao và một chiếc đài casette cũ hơn 500 ngàn đồng. Chuyến đi này tương đối thành công, không khí ở chợ Hàng lúc nào cũng vui vẻ, tấp nập dù lượng người mua bán đông; các cửa hàng cũng không ép khách mua hàng, rất vui vẻ".