Người dân Haiti chứng kiến bạo lực ngày càng gia tăng
'Port-au-Prince đang trong tình trạng hoảng loạn' - một người bạn ở thủ đô Haiti nhắn tin cho phóng viên Will Grant của BBC.
Cư dân ở Petionville, một khu vực giàu có của thành phố đang chấn động sau ngày bạo lực nhất trước cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng gia tăng của đất nước.
Hơn chục thi thể đầy vết đạn - nạn nhân của vụ bạo loạn băng đảng mới nhất nằm trên đường.
Ngoài vụ giết người vào sáng sớm, nhà của một thẩm phán cũng bị tấn công - một thông điệp rõ ràng gửi đến giới tinh hoa đất nước đang tranh giành quyền lực.
Tất cả điều này diễn ra ở nơi được cho là khu vực an toàn của thủ đô.
Giám đốc điều hành của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) - Catherine Russell đã gọi tình hình ở Haiti là “khủng khiếp” và ví tình trạng vô luật pháp như bộ phim hậu tận thế. Chắc chắn bạo lực mới nhất ở Port-au-Prince là một lời nhắc nhở, nếu cần, rằng Haiti vẫn gần với tình trạng hỗn loạn hơn là ổn định.
Trong tình trạng bất ổn đó, Liên Hợp Quốc cũng ước tính, do đóng cửa quá nhiều bệnh viện ở thủ đô, khoảng 3.000 phụ nữ mang thai có nguy cơ phải sinh con mà không được chăm sóc thai sản.
Phóng viên của BBC đã đến thăm phòng hộ sinh của bệnh viện công Cap Haitien. Những tiếng khóc đầu tiên của bé Woodley, mới một ngày tuổi, cũng giống như tiếng khóc của những đứa trẻ sinh ra ở bất cứ đâu. Nhưng giống như hầu hết những đứa trẻ sinh ra ở đó, lớn lên cô bé sẽ nhận ra rằng những nhu cầu thiết yếu (như thức ăn và nước uống) sẽ không được đảm bảo ở Haiti.
Nằm trên giường bên cạnh, Markinson Joseph đang hồi phục sau khi sinh một bé trai cách đây hai ngày. Thông qua một thông dịch viên, cô nói với phóng viên BBC rằng mình sẽ đưa con ra khỏi nước nếu có cơ hội. “Nhưng tôi và chồng không có tiền để bỏ trốn” - cô nói.
Bác sĩ Mardoche Clervil, bác sĩ sản khoa của bệnh viện, chỉ cho nhóm phóng viên xung quanh những khu vực tối tăm và vắng vẻ và nói rằng việc các băng đảng kiểm soát các con đường ra vào Port-au-Prince đang khiến việc tìm đủ nhiên liệu để duy trì đèn sáng trở nên khó khăn. Quan trọng hơn, nó cũng cản trở nỗ lực cung cấp thuốc và thiết bị mà họ cần.
Ông nói rằng những phụ nữ mang thai đã đi từ Port-au-Prince để sinh con ở Cap-Haitien, nơi tương đối an toàn hơn.
“Như các bạn thấy, chúng tôi có đủ giường và nhân viên” - ông nói và ra hiệu cho đội y tá và thực tập sinh phía sau. "Nhưng thường thì bệnh nhân không thể liên lạc với chúng tôi, vì các vấn đề kinh tế xã hội của họ hoặc vì bạo lực”. Đối với một số người, nó đã gây ra những hậu quả khủng khiếp.
Louisemanie đang mang thai được 8 tháng rưỡi khi cô vào bệnh viện. Lúc đó, cô bị huyết áp cao đến mức nguy hiểm và sẩy thai.
Tiền sản giật có thể điều trị được nếu cô ấy được theo dõi đúng cách hoặc em bé được sinh sớm. Louisemanie quá hiểu rằng sự mất mát của cô là có thể tránh được.
Cô nói với BBC: “Họ đã cho tôi dùng thuốc từ đầu tháng 1 nhưng tôi đã chuyển giữa 3 bệnh viện khác nhau”, có nghĩa là cái thai phức tạp của cô cuối cùng bị các nơi điều trị phó mặc. Trên khắp đất nước, nhu cầu nhân đạo hiện rất quan trọng và việc đáp ứng viện trợ cho đến nay vẫn rất chậm chạp.
Những thứ thiết yếu của cuộc sống - thức ăn, nước uống và nơi ở an toàn - ngày càng khó tìm đối với hàng triệu người.
Tại Port-au-Prince, Farah Oxima và 9 đứa con của cô bị buộc phải rời khỏi nhà của họ trong một khu phố bạo lực do băng đảng kiểm soát để đến một khu vực khác của thành phố. Họ chỉ là một số trong số hơn 360.000 người phải di tản trong nước trong cuộc xung đột.
Khi đổ đầy nước từ một ống đứng trên đường vào các lon nhựa, người phụ nữ 39 tuổi thừa nhận cô đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thức ăn và nước uống cho các con nhỏ của mình.
“Tôi không biết phải làm gì, tôi đang chứng kiến đất nước sụp đổ” - cô nói.
Đối với cô, ý tưởng rằng một hội đồng chuyển tiếp có thể áp đặt một số hình thức trật tự hoặc an ninh trong thời gian ngắn dường như hoàn toàn không thể thực hiện được.
"Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi nơi này bởi vì từ nơi tôi đang ngồi, tôi không thể thấy bất kỳ sự thay đổi nào khác và đến từ đâu".