Người dân háo hức đội nắng xem nhật thực đẹp nhất trong 1 thập kỷ

Người dân Hà Nội và Đà Nẵng bất chấp nắng nóng tập trung tại các công viên rộng để theo dõi nhật thực hình khuyên, hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất trong năm.

Nhật thực đẹp nhất trong 1 thập kỷ xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: TL

Nhật thực lần này trùng với hạ chí, ngày dài nhất ở bắc bán cầu khi cực Bắc của Trái Đất nghiêng về phía Mặt Trời nhiều nhất. Đây là nhật thực hình khuyên với vùng quan sát rộng lớn kéo dài từ khu vực châu Phi tới cả các quốc gia thuộc khu vực châu Á.

Ở Việt Nam chỉ quan sát nhật thực được một phần. Theo ghi nhận, tại Hà Nội và Đà Nẵng, người dân bất chấp nắng nóng tập trung tại các công viên rộng để theo dõi nhật thực.

Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, có rất đông các bạn học sinh, sinh viên tới xem nhật thực. Ảnh: Nhật Huy.

Tại Hà Nội, khoảng 14h, hiện tượng nhật thực diễn ra với tỉ lệ che phủ Mặt trời đạt mức 20%.

Từ 12h30, hàng trăm người dân có mặt ở Công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) để quan sát hiện tượng nhật thực một phần.

Các em nhỏ thích thú ngắm nhật thực hiếm có. Ảnh: Nhật Huy.

Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội chuẩn bị 5 kính thiên văn chuyên nghiệp để phục vụ miễn phí cho người quan sát nhật thực. Nhiều trẻ nhỏ thích thú khi được lần đầu chứng kiến hiện tượng kỳ thú này.

Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) giới thiệu cho mọi người về màn chiếu giúp xem nhật thực. Ảnh: Nhật Huy.

Anh Nguyễn Tất Doanh, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS), cho biết: "Thời tiết Hà Nội hôm nay rất thuận lợi cho việc quan sát nhật thực một phần. Để quan sát phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng như kính thiên văn có lớp phủ, hoặc quan sát gián tiếp qua các thiết bị khác bởi vì các bức xạ trên mặt trời rất nguy hiểm. Nếu nhìn trực tiếp bằng mắt thì ảnh hưởng đến thị lực".

Người dân Đà Nẵng thích thú chiêm ngưỡng nhật thực. Ảnh: Mai Hương.

Tại Đà Nẵng, mặc dù nắng nóng nhưng người dân vẫn tập trung rất đông tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) để quan sát hiện tượng nhật thực hiếm có, đạt điểm cực đại vào lúc 15h04', thời điểm kết thúc nhật thực sẽ là 16h22'.

Các em nhỏ hứng thú khi xem nhật thực. Ảnh: Mai Hương

Lần này, người dân Đà Nẵng có thể quan sát nhật thực một phần với độ phủ 65%. Mãi đến 11 năm nữa tức năm 2031, Đà Nẵng mới có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực tương tự.

Các thành viên Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng. Ảnh: Mai Hương.

Tại công viên Biển Đông, Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng đã chuẩn bị cho người dân xem nhật thực đầy đủ dụng cụ thiết yếu nhất để quan sát (phục vụ lên đến hơn 100 người đồng thời quan sát một lúc).

Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng nằm ở vị trí đứng giữa 2 thiên thể còn lại.

Lúc này, do Mặt Trăng đã che khuất đi Mặt Trời nên ở một số vị trí trên Trái Đất, người ta sẽ thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại.

Sự kiện này cứ 1 - 2 năm lại diễn ra và chỉ có thể quan sát ở phạm vi hẹp từ Trái Đất.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-hao-huc-doi-nang-xem-nhat-thuc-dep-nhat-trong-1-thap-ky-post83515.html