Người dân Hậu Giang mong sớm được hỗ trợ con giống sạch bệnh để tái đàn lợn sau dịch
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra hồi tháng 7 vừa qua trên địa bàn hai xã Vị Tân và Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã cơ bản được khống chế, kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, 16 hộ chăn nuôi được hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang mong sớm tái đàn, cũng như câu chuyện chọn và cung cấp giống bị nhiễm bệnh không phải lặp lại lần nữa.
Bà Thị Lài, ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thuộc diện mới thoát nghèo, được chính quyền địa phương xét, hỗ trợ cho 10 con lợn giống để phát triển chăn nuôi. Lợn giống được một đơn vị cung cấp chở tới tận nhà. Lúc giao nhận, lợn đã bị tiêu chảy. Sau khi thả lợn vào chuồng thì chúng tiếp tục tiêu chảy liên tục, lừ đừ. Ngày hôm sau, tình trạng bệnh của số lợn không cải thiện nên báo lên chính quyền địa phương.
Cán bộ thú y vào kiểm tra, lấy mẫu gởi kiểm tra, sau đó thông báo kết quả lợn bị nhiễm bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy. Bà Lài cho biết: “Gia đình tôi rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ số lợn giống này sẽ mang lại sinh kế ổn định hơn, nên cất công đi hỏi mượn số tiền bảy triệu đồng để xây chuồng. Nào ngờ, chỉ sau một tuần thả nuôi, lợn bị dịch, phải tiêu hủy. Chỉ mong sớm được hỗ trợ để tái đàn, nhằm trả nợ số tiền mượn xây chuồng”.
Còn bà Thị Chanh, ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh chia sẻ: “Chủ trương hỗ trợ con giống cho những hộ vừa thoát nghèo chăn nuôi, phát triển sản xuất có ý nghĩa rất thiết thực. Lúc hay tin gia đình được hỗ trợ 10 con lợn giống, tôi mừng đến không ngủ được, bởi ôm hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Nhưng sự cố xảy ra, lợn thì bị tiêu hủy, kế hoạch chăn nuôi phải hoãn lại đến nay chưa thể tái đàn. Bây giờ dịch bệnh đã được kiểm soát tốt rồi, tôi mong sớm nhận được nguồn giống hỗ trợ lại. Nguồn giống phải khỏe mạnh, được kiểm soát bảo đảm sạch bệnh thì chăn nuôi mới an toàn”.
Các hộ dân được hỗ trợ từ Dự án mô hình giảm nghèo đa dạng hóa sinh kế - Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đều thuộc diện nghèo, mới thoát nghèo, nên hầu hết họ phải vay mượn tiền để đầu tư xây chuồng nuôi lợn. Vì thế, điều mong mỏi chung của các hộ dân bị thiệt hại là sớm được hỗ trợ lại để tái đàn. Hy vọng khi nhận lại con giống đợt sau phải là nguồn giống sạch bệnh, lợn khỏe và có sự kiểm tra kỹ hơn từ ngành chức năng để tránh sự cố đáng tiếc như vừa qua.
Để hiểu rõ hơn về việc chọn và cung cấp giống lợn cho các hộ dân được hỗ trợ, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thông tin: Từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia, sau khi kinh phí được phân bổ thực hiện dự án, địa phương tiến hành họp các ấp, chọn hộ chăn nuôi, giao nhiệm vụ cho Tổ trưởng tổ sản xuất cộng đồng triển khai thực hiện và giám sát.
Sự cố đáng tiếc xảy ra dịch bệnh là do đơn vị cung cấp nguồn giống, ngành chức năng cũng chưa giám sát chặt khâu dịch tễ, đã gây thiệt hại cho bà con chăn nuôi, ảnh hưởng đến ý nghĩa nguồn vốn hỗ trợ.
Sau khi thực hiện các biện pháp dập dịch, ngành chức năng có liên quan mời đơn vị cung cấp con giống cho dự án (Công ty cổ phần Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Hưng Nông) đến làm việc. Đơn vị này cho biết, để có 152 lợn giống (trọng lượng từ 17-20kg) cấp phát cho dự án tại xã Hỏa Lựu và xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, công ty đã ký hợp đồng mua lợn giống với ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Tuy nhiên, lúc này số lượng lợn trong trại của ông Nguyễn Văn Tuấn không đủ cung cấp, nên ông đã tìm kiếm qua mạng xã hội Facebook, liên hệ mua 132 con lợn giống từ một đầu mối khác ở ngoài tỉnh chuyển về.
Điều khó hiểu là số lợn bị nhiễm bệnh này từ bên ngoài tỉnh vẫn ngang nhiên được vận chuyển đến tận nhà hộ dân được hỗ trợ, mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra, kiểm soát nào của ngành chức năng.
Bước đầu, đơn vị cung cấp giống đã bồi thường chi phí người dân đã bỏ ra để mua thức ăn chăn nuôi và tiền thuốc điều trị bệnh cho lợn trong thời gian phát hiện lợn nhiễm bệnh; đồng thời, cũng cam kết sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đủ điều kiện cho tái đàn trở lại sẽ hỗ trợ lại toàn bộ số lợn giống đã bị tiêu hủy cho bà con.
Trong chăn nuôi, chất lượng nguồn giống là yếu tố tiên quyết tác động đến chất lượng hoạt động chăn nuôi và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chọn lựa nguồn giống cần bảo đảm yếu tố sạch bệnh, an toàn để bảo đảm quá trình chăn nuôi được thuận lợi, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh gây thiệt hại.
Sự cố đáng tiếc vừa qua cho thấy ngành chức năng cần có trách nhiệm và cẩn trọng hơn trong công tác quản lý giống vật nuôi, kiểm soát chặt chẽ quá trình giao - nhận giống để tránh rủi ro dịch bệnh xuất hiện gây thiệt hại.
Ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y-Thủy sản thành phố Vị Thanh, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ sự việc đã xảy ra, sau này, khi cung cấp con giống từ các địa phương khác trong tỉnh về địa bàn, ngoài hóa đơn, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị cung cấp con giống cung cấp thêm bản kê khai khi chăn nuôi. Dựa vào cơ sở này chúng tôi sẽ xác định được nguồn gốc rõ ràng từ đơn vị cung cấp con giống, dễ dàng hơn cho việc theo dõi giám sát, truy vết, khoanh vùng trong trường hợp cần thiết”.
Ông Lê Trường Hận cho biết thêm, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường quản lý nguồn gốc lợn khi nhập về địa phương. Cụ thể, Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thành phố Vị Thanh đã xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng công an, quản lý thị trường, các đơn vị liên quan để tăng cường quản lý việc nhập gia súc vào cửa ngõ thành phố Vị Thanh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho hay, hiện nay dịch tả châu Phi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã cơ bản được khống chế, kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn vi rút vẫn còn lưu hành và có nguy cơ tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cũng vừa có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến việc hỗ trợ heo giống trên địa bàn quản lý.
Trong đó, cần lưu ý về các điều kiện tái đàn sau dịch với phương châm “Tái đàn nhưng không để tái dịch”; quy định rõ trách nhiệm của địa phương cấp xã và các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ gia súc, gia cầm, nếu để phát sinh, lây lan dịch bệnh.