Người dân Hoài Đức đồng thuận giải phóng mặt bằng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Dự án trọng điểm quốc gia đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 đang được TP Hà Nội tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ, đền bù tái định cư, trong đó, huyện Hoài Đức là địa phương có chiều dài GPMB dài nhất. Đáng chú ý, tiến độ GPMB của địa phương đang băng về đích nhờ được chính quyền và người dân đồng thuận.
Video hiện trường GPMB qua xã La Phù huyện Hoài Đức:
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về đẩy nhanh GPMB, hỗ trợ đền bù tái định cư, đảm bảo tiến độ phục vụ thi công Đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Hoài Đức (dài 17,1 km), đến trung tuần tháng 2/2023, UBND huyện Hoài Đức đã bàn giao xong 769 mốc chỉ giới, với diện tích 239,63 ha của 12 xã. Trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 166,48 ha, của 5.783 hộ; đất có nhà ở diện tích khoảng 0,66 ha của 115 hộ; còn lại 72,49 ha đất công và đường, mương nội đồng (bao gồm số ngôi mộ đã kê khai 2.342 ngôi).
Rà soát của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, công tác GPMB đối với diện tích đất nông nghiệp của huyện hiện đã kê khai, kiểm đếm 99,62 ha, của 3.522 hộ có đất nông nghiệp; đã niêm yết dự thảo phương án 78,89 ha, của 2.770 hộ, với số tiền 830 tỷ đồng; đã phê duyệt và thu hồi đất được 51,12 ha. Các hộ đã nhận tiền đền bù bàn giao GPMB là 1.904 hộ, với số tiền 520,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã di dời được 1.357/2.342 ngôi mộ... Dự kiến, đến hết tháng 6/2023, huyện Hoài Đức sẽ GPMB được 196,8 ha, đạt 82,1%, vượt tiến độ đề ra... Đến nay, việc chi trả tiền đền bù GPMB đã được huyện Hoài Đức triển khai 10 đợt chi trả ở 8/12 xã và Hoài Đức là huyện đầu tiên của TP Hà Nội chi trả.
Qua ghi nhận của phóng viên tại hiện trường GPMB, để có được kết quả khả quan như trên là nhờ sự vận động, tuyên truyền hiệu quả về vai trò, ý nghĩa chính trị của tuyến Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong việc kết nối giao thông, giao thương, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các quận, huyện vệ tinh, lấy Hà Nội là trung tâm phát triển nếu tuyến đường sớm được thi công, hoàn thành và nhờ sự đồng thuận cao của người dân các địa phương cơ sở.
Theo ông Ngô Văn Thuận, người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức), việc GPMB và đền bù ruộng đất phục vụ thi công Đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị không phải chỉ riêng của TP Hà Nội, mà của cả đất nước. Mặc dù gia đình ông cũng bị thu hơn 700 m2 đất, cùng nhiều diện tích hoa màu, nhưng tuyến đường này đi vào khai thác sẽ phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phục vụ dân sinh là chủ yếu, nên các hộ dân địa phương đều hài lòng, đồng tình ủng hộ...
Còn theo ông Nguyễn Hữu Khoa, Chủ tịch UBND xã La Phù, thời gian qua, quá trình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương bàn giao đất phục vụ thi công Đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội tại địa phương gặp nhiều thuận lợi, đa số người dân đều có nhận thức tốt về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường, đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng và mong chờ các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền từ thành phố đến xã sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, để sớm có tuyến đường hiện đại phục vụ bà con và địa phương...
Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo 7 dự án thành phần, gồm: 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài khoảng 112,8 km, gồm: 103,1 km Đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn qua TP Hà Nội khoảng 58,2 km (797,29 ha); đoạn qua tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km (237,03 ha); đoạn qua tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km (326 ha).
Dự án đầu tư phân kỳ đường cao tốc quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/giờ, rộng 17 m, với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh và các lối ra vào đường cao tốc đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả. Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (TP Hà Nội: 23.524 tỷ đồng; Hưng Yên 1.505 tỷ đồng; Bắc Ninh 3.164 tỷ đồng, vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án phê duyệt chỉ giới đường đỏ 58,2 km/58,2 km trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, huyện Sóc Sơn 2 km/2 km, huyện Mê Linh 11,3 km/11,3 Km, huyện Đan Phượng 6/6 km, huyện Hoài Đức 17,1 km/17,1 km, quận Hà Đông 4,6 km/4,6 km, huyện Thanh Oai 7,75 km/7,75 km, huyện Thường Tín 9,45 km/9,45 km.
Theo phương án tổng thể GPMB của TP Hà Nội, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 797,29 ha/58,2 km. Số hộ tái định cư 1.006 hộ, số mộ chí cần di dời khoảng 11.682 ngôi, thành phố dự kiến bố trí 13 khu tái định cư/392.789 m2; di chuyển 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV). Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, các quận, huyện đã di chuyển 4.916/11.682 ngôi mộ chí, đạt 42%; đã phê duyệt và thu hồi đất được 206,17/797,29 ha, đạt 26%; tổng số tiền đã chi trả là 1.762,71 tỷ đồng.
TP Hà Nội giao chỉ tiêu cho các quận, huyện bàn giao 70% diện tích mặt bằng phục vụ thi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; hoàn thiện các thủ tục thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để khởi công trước tháng 6/2023.