Người dân Khánh Sơn 'xin' được hít thở không khí trong lành
'Chúng tôi đã sống trong ô nhiễm nửa đời người rồi và không muốn đời con cháu phải chịu khổ nữa. Người dân Khánh Sơn không xin lãnh đạo thành phố tiền, công việc mà chỉ xin được hít thở không khí trong lành như bao người khác', bà Nguyễn Thị Thành nói.
Ngày 6/7, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng đại diện các ngành chức năng đã có buổi đối thoại với hơn 400 người dân sống quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Bãi rác Khánh Sơn ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua mà chưa có giải pháp xử lý triệt để khiến người dân bức xúc.
Đại diện hơn 400 người dân Khánh Sơn đã phát biểu nhiều ý kiến, đa số họ đều muốn di dời bãi rác Khánh Sơn đi nơi khác, không muốn xây dựng nhà máy xử lý rác thải mới ở khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Học (người dân quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn) bức xúc nói: "Chúng tôi nghe thành phố giới thiệu công nghệ Khu liên hiệp xử lý rác nếu xây dựng sẽ hết ô nhiễm, nếu vậy các anh đưa đi nơi khác để làm. Vẫn đề rác thải người dân thành phố phải chịu chung, không thể để chúng tôi gánh được".
Còn ông Phạm Văn Long (tổ 67, phường Hòa Khánh Nam) cho rằng: "Nếu dự kiến xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, cam đoan không gây ô nhiễm môi trường thì có thể đặt ở bất cứ vị trí nào cũng được, không nên đặt ở đây vì bà con đã phải chịu đựng mùi hôi 30 năm nay rồi".
Trong lúc đó, là người được ngành chức năng thành phố đưa đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Phan Văn Xu (trú phường Hòa Khánh Nam) cho biết, mỗi ngày Đà Nẵng có hơn 1.000 tấn chất thải sinh hoạt, việc xây dựng nhà máy xử lý rác là điều cần thiết nhưng xây dựng ở đâu là điều cần quan tâm.
"Vừa qua, chúng tôi được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đưa đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ. Ở đây không khí trong lành và được ví như khu nghỉ dưỡng. Nhưng chúng tôi được biết, công nghệ xử lý rác thải này của Trung Quốc liệu có đảm bảo hay không?", ông Xu lo ngại và cho biết với vấn đề ô nhiễm lâu nay người dân Khánh Sơn không mong muốn xây dựng nhà máy rác.
Theo bà Nguyễn Thị Thành (người dân Khánh Sơn), đa số người dân ở quanh khu vực bãi rác lúc nào đi xuống trung tâm thành phố thì không muốn quay lại khu vực Khánh Sơn nữa, bởi nó quá hôi thối, trong lúc ô nhiễm thì không xử lý triệt để.
"Chúng tôi đã sống trong ô nhiễm nửa đời người rồi và không muốn đời con cháu phải chịu khổ nữa. Người dân Khánh Sơn không xin lãnh đạo thành phố tiền, công việc mà chỉ xin được hít thở không khí trong lành như bao người khác", bà Thành nói.
Tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng, cho biết để giải quyết ô nhiễm, thành phố đang triển khai tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án xử lí nước rỉ rác, nâng công suất lên 1050 m3/ngày đêm; cùng với hệ thống mương thu gom toàn bộ nước phát sinh từ bãi rác. Thành phố đang có chủ trương cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ xử lý rác, hiện nay đang nghiên cứu phù hợp với quy mô 650 tấn/ngày...
"Để giải quyết căn cơ, thành phố quyết tâm sẽ giải tỏa toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng trong phạm vi 500m, chuyển đổi nghề nghiệp của hơn 300 lao động sống bằng nghề nhặt rác. Bãi rác Khánh Sơn sẽ trở thành Khu liên hiệp xử lý rác chứ không phải bãi chôn lấp hiện nay. Nếu như toàn bộ được triển khai sẽ không gây ô nhiễm, hiện nay chúng tôi đang thận trọng lựa chọn công nghệ, thành phố quyết tâm sẽ làm", Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng ghi nhận những phản ánh của bà con nhân dân và sẽ chỉ đạo các ban ngành chức năng giải quyết dứt điểm. Ông Dũng nhấn mạnh, khi có sự đồng thuận của người dân thì việc xây dựng được nhà máy xử lý rác mới được thực hiện và mong muốn người dân mở lòng cùng nhau tìm giải pháp phù hợp.
"Chúng ta sẽ cùng thảo luận, tìm ra biện pháp tốt nhất để cùng thực hiện. Tôi cũng yêu cầu địa phương chí cần có kế hoạch tổng thể, không hẳn chỉ có chuyện bãi rác. Cũng mong bà con hôm nay, cùng với thành phố tiếp tục tìm cách tháo gỡ", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nói.
Được biết, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất về nguyên tắc, cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông) xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu.
Theo Công ty CP Môi trường Việt Nam, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt có số vốn 80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày. Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác để ủ khoảng 5 - 7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C.