Người dân khốn đốn vì vay qua app lãi suất hơn 3.000%/năm
Một khi đã lỡ sập bẫy cho vay qua ứng dụng (app) tín dụng đen, nhiều người dân không thể rút chân ra, buộc phải vay app này để trả app khác, dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con.
Nở rộ nhiều hình thức tín dụng đen trực tuyến, lãi suất cho vay lên tới 1.400%/năm. Ảnh: Đ.T
Lãi suất gần 8,6%/ngày, người vay chìm vào vòng xoáy nợ nần
Thông tin với Báo Đầu tư, anh Trần Viết T. (Bắc Ninh) cho hay, tháng 9/2020, anh có tải app Mo Dong và đăng ký vay. Sau đó, app này thông báo cho vay 1,6 triệu đồng, kỳ hạn 7 ngày, nhưng số tiền mà app này giải ngân thực tế chỉ là 1 triệu đồng (600.000 còn lại trừ vào các loại phí). Sau 7 ngày, anh phải trả 1,6 triệu đồng. Như vậy, với số tiền thực vay 1 triệu đồng, anh phải trả lãi suất gần 8,6%/ngày, tương đương lãi suất hơn 3.000%/năm. Sau lần vay này, anh T. “cạch tới già” không dám động tới app cho vay online.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như nhân vật trên. Chị Hoàng Thị Nh. (Hà Tĩnh) cho biết, tháng 4/2020, do dịch bệnh, không có việc làm, chị đăng ký vay qua app Vay tia chớp và được thông báo giải ngân 2,9 triệu đồng trong 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền mà app gửi vào tài khoản của chị chỉ là 1,7 triệu đồng.
Sau đó, khi chị Nh. trễ hạn thanh toán 3 ngày, bộ phận đòi nợ gọi điện thông báo số tiền mà chị nợ là 5 triệu đồng (số tiền gốc, tiền lãi và lãi phạt), quấy nhiễu người thân của chị và đe dọa nếu chị không đóng đủ, họ sẽ về tận nhà. Quá lo lắng, chị lại vay tiếp mấy app khác như Ơi Vay, One Click để có tiền trả app Vay tia chớp. Vòng xoáy nợ nần của chị vì vậy tiếp diễn suốt 6 tháng qua.
“Bí quá chỉ vay vài triệu, không ngờ nửa năm trả mãi vẫn chưa xong, không rút chân ra được. Từ khoản vay 1,7 triệu, đến nay tôi đã nợ 5 app số tiền 50 triệu đồng và mất khả năng thanh toán, không còn dám vác mặt về quê. Khổ nhất là người thân trong danh bạ điện thoại liên tục bị quấy nhiễu, bố mẹ, anh chị tôi cũng muối mặt với hàng xóm vì bị bên đòi nợ bêu ảnh trên facebook”, chị Nh. cho hay.
Theo các chuyên gia, sở dĩ người dân tìm đến các app cho vay vì nghĩ món vay nhỏ, dễ dàng trả hết. Tuy nhiên, thực tế, do lãi suất cắt cổ, tiền lãi trong thời gian ngắn đội lên quá lớn, nhiều người không thể thoát khỏi vòng xoáy vay qua app. Có người ban đầu chỉ vay 5-10 triệu đồng, nhưng cuối cùng phải bán cả nhà để trả nợ cho app.
Theo khảo sát của Báo Đầu tư, lãi suất cho vay qua app hiện dao động khoảng 240-360%/năm (20-30%/tháng) đến hơn 3.000%/năm.
Ứng dụng mọc như nấm sau mưa
Mặc dù gần đây, liên tục các app cho vay tín dụng đen bị lực lượng công an triệt phá, nhưng các app cho vay này như vòi bạch tuộc, chặt vòi này lại mọc lên nhiều vòi khác. Nhu cầu vay của người dân quá lớn cộng với lợi nhuận thu về quá khủng khiếp, chế tài xử lý lại chưa thực sự nghiêm khắc khiến các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động bất chấp.
Hiện có khoảng 100 trang web cho vay qua mạng đang hoạt động, đi kèm là hàng chục app cho vay liên tục quảng cáo, mời chào người vay. Danh sách các app cho vay phổ biến là: Vay tia chớp, Moneycat, Cash fly, Tamo, Vamo, Enmo, Ucash, Atm, Suvay, Mycash, Wcrdit, Vay dễ dàng, Aili credit, 99 vay, Tiền đầy túi, Vay tích tắc, 16vay, Vay là có, Vay như ý, Easy loan, Moneytap, onecreit, Dotordong, Vay quá đã, An tâm vay, Momovay…
Do vay tín chấp, người vay phải chấp nhận trao quyền kiểm soát danh bạ điện thoại, thậm chí facebook cho app. Chính vì vậy, đến thời hạn trả nợ, nhiều người vẫn không dám “bùng” vì sợ bị bêu riếu, bị khủng bố điện thoại tới người thân, bị đe dọa… Đây cũng là lý do khiến các app cho vay online vẫn mọc lên như nấm sau mưa, bất chấp các đợt truy quét của các cơ quan chức năng.
Khi đi vay, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định về cho vay của các ứng dụng. Cần lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, chấp hành đúng quy định về lãi suất (dưới 20%/năm), không có các hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, lăng mạ, xúc phạm, quấy rối người đi vay, để tránh gặp phiền hà trong cuộc sống, cũng như tránh bị các đối tượng đưa vào vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con.
- Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an)
Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) khẳng định, đang nở rộ nhiều hình thức tín dụng đen trực tuyến, lãi suất cho vay lên tới 1.400%/năm. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa, nên không dám tố cáo, hợp tác, cung cấp tài liệu với cơ quan công an.
Trước tình trạng tín dụng đen hoành hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Trong đó, cho vay tích cực nhất là Agribank.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, để chống tín dụng đen, đầu năm nay, Agribank đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình, song kết quả giải ngân đến thời điểm này đã lên tới 19.000 tỷ đồng (gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu).
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, khoảng 150 hộ vay vốn của ngân hàng này đang có con em dính líu tới tín dụng đen.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng với các app cho vay. Nếu thấy đơn vị cho vay có dấu hiệu cho vay nặng lãi, tín dụng đen (lãi suất cắt cổ và hành vi đòi nợ côn đồ), người dân cần thu thập bằng chứng để tố cáo với cơ quan công an.