Video: Hồ thủy điện nổi váng, bốc mùi hôi thối ở Kon Tum
Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân xã Ya Xiêr, Ya Tăng và Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) sống và canh tác ở hai bên bờ hồ thủy điện Ya Ly luôn khó thở vì mùi hôi thối bốc lên từ những vũng nước ô nhiễm.
Ông A Ngư, trưởng làng Trang cho hay, toàn làng có 200 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Đa số người dân sinh sống quanh và phụ thuộc vào lòng hồ thủy điện Ya Ly. Khi nguồn nước của hồ chuyển màu xanh đục, đặc quánh như sơn và bốc mùi hôi thối, người dân cảm thấy vô cùng lo lắng.
Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng nước đổi màu, bốc mùi hôi thối không phải mới chỉ xảy ra thời gian gần đây mà những năm trước, nước lòng hồ cũng đổi màu, bốc mùi song không nghiêm trọng bằng năm nay.
Việc nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cũng như việc canh tác của người dân xung quanh khu vực này.
Có 2 sào đất sát bờ hồ, những ngày gần đây, ông Phạm Văn Cầu (53 tuổi, làng Kiến Hưng, xã Ya Ly) đang tất bật cải tạo đất để trồng lúa sau vụ mì. Tuy nhiên, việc cải tạo của ông trễ hơn mọi năm vì ngại lội xuống ruộng, phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bị ô nhiễm và mùi hôi thối xộc lên. "Những hôm nắng to, mùi hôi nồng nặc, không ai dám ra đồng", ông Cầu cho hay.
Ngoài ra, nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến người dân bớt đi thu nhập từ việc đánh bắt hải sản. Thời điểm chưa ô nhiễm, mỗi đêm, người dân có thể giăng lưới bắt được hàng chục ký tôm cá, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nước ở hồ nổi váng, bốc mùi là vì thân, lá, củ mì của người dân thu hoạch còn sót lại bị phân hủy khi nước lòng hồ dâng cao.
Mới đây, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan đi kiểm tra thực tế tại khu vực nói trên.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, tại lưu vực suối Đăk Xier, nguồn tiếp nhận nước thải của các nhà máy tại huyện Sa Thầy không phát hiện nước suối có màu khác thường. Tại khu vực thôn Kiến Hưng (xã Ya Ly), nước có màu xanh lục, nổi váng thành từng mảng nhỏ, màu xanh đậm, mùi hơi tanh của rêu. Khu vực bán ngập thuộc lòng hồ hiện tại còn sót lại lượng lớn cành cây mỳ chưa phân hủy hết đang được người dân thu dọn để trồng vụ mới. Xung quanh lòng hồ không có các nguồn nước thải công nghiệp đổ vào.
Bước đầu, đoàn kiểm tra nhận định nhiệt độ trong nước tăng do ánh nắng mặt trời làm cho tảo lam phát triển đột biến, phân hủy làm đổi màu nước. Đây còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa".
Hiện, Trung tâm quan trắc (Sở Tài nguyên Môi trường) đã lấy 4 mẫu nước tại một số vị trí lòng hồ để xác định nguyên nhân cuối cùng.
HIỀN MAI