'Người dân không biết đi đâu nếu chính quyền Seoul cấm nhà dưới hầm'
Giữa bối cảnh trận mưa lớn lịch sử gây ra ngập lụt khiến hàng loạt người thiệt mạng tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, chính quyền thành phố này đang có kế hoạch cấm toàn bộ các căn hộ nằm dưới lòng đất - một dự án từng được đề cập nhưng bất khả thi.
Thường được gọi với cái tên “banjiha” tại Hàn Quốc, 'những căn hộ bán hầm' là một hình thức nhà cho thuê giá rẻ nằm dưới lòng đất nhưng có cửa sổ ngang với mặt đường. Những khu nhà thiếu sáng như thế được cho là nơi sinh sống của khoảng 5% tổng số hộ gia đình của thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Trên thực tế, những ngôi nhà dưới lòng đất vô cùng phổ biến tại thủ đô Seoul. Theo thống kê chính thức, có tới 95% trong tổng số 379.605 căn hộ có tầng hầm hoặc bán hầm trên toàn Hàn Quốc có thể được tìm thấy tại Seoul.
Dù đi kèm với giá thuê rẻ hơn, đặc điểm bí bách của những căn hộ này đã là nguyên nhân khiến nhiều người lớn và 3 đứa trẻ thiệt mạng do chết đuối sau những ngày mưa như trút nước ở Seoul vừa qua. Chính quyền thành phố vì vậy thông báo sẽ cam kết loại bỏ dần toàn bộ các hình thức cư trú dưới lòng đất, theo tờ The Korea Herald.
Trong một thông cáo báo chí hôm 10/8, Thị trưởng Seoul Oh Se-hun đưa ra nhận định những ngôi nhà banjiha là "công trình kiến trúc dân cư đe dọa sự an toàn của những người cư ngụ" và vì vậy chúng cần phải được loại bỏ. Theo tờ Korea Herald trích dẫn ông Oh, đây sẽ là một dự án dài hạn nhằm cải thiện sự an toàn của các ngôi nhà trên toàn thành phố.
Tuy nhiên đối với nhiều người dân đang sống trong các căn banjiha trên khắp thành phố Seoul, việc rời đi không phải là một lựa chọn.
Bà Sohn Mal-nyeon, 77 tuổi, là một người đã sống trong một căn hộ 2 phòng dưới tầng hầm tại trung tâm phía nam Dongjak của Seoul được hơn 50 năm kể từ khi con gái bà mới chập chững biết đi. Bà cho biết vào đêm đầu tiên của trận mưa kỷ lục, trung tâm dịch vụ cộng đồng địa phương đã gọi điện và yêu cầu bà qua đêm tại trại dưỡng lão ở Namyangju cùng với một số người hàng xóm, những người đã phải rời khỏi nhà của họ do lũ.
Dù vậy, bà đã không rời đi và vẫn cố gắng ngăn lũ bằng một cái xô và một cây lau nhà nhưng việc này không hiệu quả. Nước tràn vào từ cửa sổ nhà bếp và phòng tắm - những cửa sổ duy nhất trong nhà. Đã có lúc, nước ngập đến đầu gối của bà. Bà cho biết thứ nước tràn vào nhà bà có đầy bùn đất, bốc mùi và đen ngòm như nước thải bị tràn. Hơn nữa do ở dưới lòng đất, bà không thể loại bỏ thứ mùi này trong căn nhà của mình. Dù điện đã được cấp trở lại, tủ lạnh cùng toàn bộ thức ăn của bà đã bị hỏng trong khi bàn ghế vẫn còn ướt và có khả năng cao không thể sử dụng được nữa.
Do đó, bà hiện đang sống trên gác mái của tòa nhà. Khi được hỏi về kế hoạch của thị trưởng Seoul nhằm loại bỏ dần các căn hộ banjiha, bà cho rằng điều này sẽ không thể xảy ra, do các căn hộ này có mức giá rẻ hơn hẳn các căn nhà bên trên mặt đất.
Một người dân khác ngụ trong một căn banjiha khác cùng khu là bà Baek cũng nhận định rằng việc này không có nhiều khả năng thành công. Cả cuộc đời bà đã sống ở đây và dù nhận thức được nguy hiểm, bà "không biết phải đi đâu" nếu không ở trong một căn nhà dưới hầm.
Nhưng bà Son và bà Baek vẫn là những người may mắn trong thảm họa này.
Tại khu Dongjak, một trong những quận hứng chịu mưa lũ nặng nề nhất tại Seoul, một phụ nữ 50 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đã không thể thoát khỏi ngôi nhà ngập lụt dưới lòng đất của mình và sau đó được tìm thấy đã tử vong vào hôm 9/8.
Trên thực tế, các nỗ lực ngăn cản việc xây dựng các căn banjiha đã có từ lâu nhưng chưa từng đạt được thành công.
Theo People Power 21, một nhóm công dân có trụ sở tại Seoul, những nỗ lực trong quá khứ của văn phòng chính quyền thành phố để điều chỉnh các khu dân cư “không thể ở được”, bao gồm cả banjiha, đã nhiều lần thất bại. Cụ thể vào năm 2012, sau khi luật được sửa đổi để cấm xây dựng thêm các ngôi nhà banjiha, hàng chục nghìn căn vẫn được xây mới do các sơ hở trong giám sát.
Ông Chang Dukjin, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nói với tờ The Korea Herald rằng loại bỏ banjiha là “một bước đi đúng hướng” cùng với việc nâng cao mức sống tối thiểu của người dân. Tuy nhiên, phần thách thức sẽ là tìm ra ngân sách để giúp người dân tái định cư cũng như cung cấp cho họ các lựa chọn nhà ở thay thế.
Mặt khác, cái chết của những cư dân dễ bị tổn thương cũng là một thực tiễn cho việc thiếu thốn sự mở rộng nhà ở công cộng ở thủ đô đắt đỏ của Hàn Quốc. Seoul vì vậy sẽ phải tìm ra biện pháp giải quyết tình trạng này và để cho “các thảm kịch có thể tránh được không lặp lại” theo lời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.