Người dân khu vực biên giới tin dùng hàng Việt

Với kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được đồng bào các dân tộc khu vực biên giới ưu tiên lựa chọn.

Mặc dù ở sát biên giới nhưng các cửa hàng tạp hóa thuộc thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) đã ưu tiên phân phối hàng Việt nhiều năm nay. Trên kệ của 4 cửa hàng tạp hóa ở thôn vùng biên này, các sản phẩm bánh, kẹo, sữa, mì ăn liền, nước giải khát, dầu ăn, nước mắm, xà phòng, nước rửa bát… của các thương hiệu trong nước luôn chiếm ưu thế.

Chị Sùng Thị Sinh, chủ cửa hàng tạp hóa Tìn Sinh (thôn Na Lốc 4) cho biết: Trước đây, khi còn nhiều lối mòn, lối mở, hàng hóa phía bên kia biên giới tràn ngập các thôn, bản vùng biên, do người dân chỉ cần lội qua suối là có thể sang nước bạn mua hàng sử dụng hoặc “xách tay” hàng hóa về bán trong nước. Khi đó, các mặt hàng sản xuất trong nước khó bán vì “hàng ngoại” giá rẻ, đa dạng hơn. Tuy nhiên, từ khi các lối mòn, lối mở được rào lại thì hàng hóa bên kia biên giới không sang được, người dân ngày càng quen và tin dùng hàng Việt.

“3 năm gần đây, nhu cầu mua và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước của người dân vùng biên tăng. Theo xu hướng thị trường, tôi và chủ các cửa hàng tạp hóa trong thôn đã nhập các mặt hàng trong nước sản xuất bày bán, phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện tại, 100% hàng hóa tại cửa hàng của tôi là hàng Việt”.

Chị Sùng Thị Sinh, thôn Na Lốc 4.

Kinh doanh tạp hóa hơn 10 năm nên chị Lê Thị Hoa, chủ cửa hàng tạp hóa Hoa Phú tại thôn Bầu Bàng, xã biên giới Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) phần nào hiểu rõ thói quen tiêu dùng của người dân trong khu vực.

"Người tiêu dùng khu vực biên giới ngày càng thông thái, họ chỉ chọn các mặt hàng có kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại đa dạng, giá cả phải chăng và có tem nhãn, nguồn gốc rõ ràng… và hàng Việt có đầy đủ các yếu tố đó. Các mặt hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, không có tem phụ bằng tiếng Việt nhập về không bán được. Hàng hóa trong nước dễ nhập và kiểm soát chất lượng, ngày nào cũng có xe của nhà phân phối chở hàng đến giao cho các đại lý. Hàng Việt có thể đổi trả khi chất lượng không đảm bảo nên chúng tôi yên tâm kinh doanh, buôn bán; người tiêu dùng yên tâm mua và sử dụng".

Chị Lê Thị Hoa, thôn Bầu Bàng, xã Cốc Mỳ.

.

Để minh chứng cho sự đa dạng của hàng hóa sản xuất trong nước, chị Hoa dẫn chúng tôi tham quan cửa hàng tạp hóa rộng gần 200 m2. Chỉ vào quầy bánh kẹo, chị cho biết: Riêng bánh tại cửa hàng của tôi có gần 20 loại với đủ kiểu dáng, mẫu mã, giá bán phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tất cả đều là hàng của các thương hiệu lớn trong nước. Không chỉ bánh, cửa hàng của tôi cũng có khoảng 15 nhãn hàng với 30 loại kẹo khác nhau. Mỗi mặt hàng tiêu dùng khác như xà phòng, nước giặt, muối, nước mắm, đường, bột ngọt, nước rửa chén… cũng có từ 3 - 5 nhãn hàng Việt để người tiêu dùng lựa chọn.

Lựa chọn mua một số mặt hàng tại cửa hàng tạp hóa Hoa Phú, anh Giàng A Long (thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ) cho biết: Bây giờ giao thông thuận tiện, hàng hóa sản xuất trong nước được chở về đến các thôn, bản nên chúng tôi không phải đi xa để mua hàng. Nếu đặt hàng Việt với hàng “ngoại” trên cùng một kệ thì tôi luôn chọn hàng Việt vì có thể kiểm tra thành phần, hạn sử dụng... Hàng hóa trong nước cũng dễ kiểm tra giá bán, nguồn gốc hơn các mặt hàng có nguồn gốc từ nước ngoài.

Từ thực tế ở các thôn vùng biên giới ở xã Bản Lầu và xã Cốc Mỳ có thể thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng, giúp người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng ở các thôn, bản vùng biên giới từng bước hình thành thói quen, sự ưu tiên trong tiêu dùng hàng Việt, đặc biệt là khi đặt hàng hóa sản xuất trong nước với xuất xứ rõ ràng so với “hàng xách tay” - có sự mập mờ về nguồn gốc lên “bàn cân”. Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân khu vực biên giới đã góp phần không nhỏ để hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường.

Mặc dù người dân khu vực biên giới đã ưu tiên, tin dùng hàng Việt nhưng chính quyền, các hội, đoàn thể của địa phương… vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc sử dụng hàng Việt; các ngành chức năng làm tốt công tác phòng, chống kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh… giúp người dân khu vực biên giới dễ tiếp cận hàng Việt chất lượng cao với giá bán phải chăng, tạo đà kích cầu thương mại dịch vụ, du lịch vùng biên ngày càng phát triển.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nguoi-dan-khu-vuc-bien-gioi-tin-dung-hang-viet-post385065.html