Người dân kỳ vọng có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, không còn lo thông tin bị rò rỉ
Nhiều người dân kỳ vọng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ không chỉ dừng ở những nguyên tắc chung mà phải có quy định cụ thể, khả thi và đủ sức bảo vệ thiết thực quyền riêng tư trong môi trường số.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành tài sản có giá trị và đồng thời cũng là mục tiêu dễ bị xâm phạm.
Thời gian qua, nhiều vụ việc rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân đã xảy ra khiến người dân không khỏi lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã nói trước Quốc hội hôm 5-5, việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn do thiếu quy định pháp lý cụ thể.
Do đó, việc Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và có tính khả thi cao để bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Việc Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Ảnh: HUỲNH THƠ
Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 68 Điều, gồm 7 nội dung chính và có sáu nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước, gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan chức năng; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu cá nhân trái quy định; mua, bán dữ liệu cá nhân và cố ý chiếm đoạt, làm lộ, mất dữ liệu cá nhân.
Luật phải cụ thể, có răn đe để tránh 'lỗ hổng' bảo mật
Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi chào bán sản phẩm, dịch vụ dù chưa từng cung cấp số điện thoại cho họ. Tôi rất mong luật lần này sẽ quy định rõ tổ chức, cá nhân nào được quyền thu thập thông tin cá nhân, và nếu vi phạm thì phải bị xử phạt thật nghiêm”.
Nhiều bạn đọc cũng đồng tình rằng các quy định hiện tại còn quá chung chung, khó áp dụng. Anh Trần Văn Thắng (TP.HCM) bày tỏ: "Có nhiều vụ rò rỉ dữ liệu nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. Luật mới phải có quy định rõ trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm minh những tổ chức làm rò rỉ dữ liệu, chứ không thể chỉ dừng ở mức nhắc nhở hay cảnh cáo”.
Một số ý kiến khác cho rằng luật cần mang tính thực thi cao. "Tôi thấy luật không thiếu, nhưng thiếu người kiểm tra, giám sát và xử lý. Phải có cơ chế giám sát độc lập, minh bạch để luật không chỉ nằm trên giấy," - anh Lê Quốc Duy nhấn mạnh.
Từ phía doanh nghiệp, ông Anh Duy (chủ doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM) cũng thừa nhận: "Thực tế, doanh nghiệp vừa lo tuân thủ pháp luật, vừa lúng túng vì chưa rõ ràng về chuẩn mực xử lý dữ liệu cá nhân. Nếu có luật cụ thể, doanh nghiệp sẽ dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Không thể để một số đơn vị cố tình vi phạm mà không bị xử lý gì, gây ảnh hưởng xấu đến cả ngành."
Luật đi vào thực tế, bảo vệ thiết thực cho người dân
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại về việc dữ liệu cá nhân của họ đang bị sử dụng mà không rõ mục đích. Chị Phạm Thị Mai nói: "Không biết vì sao số căn cước, ngày sinh, địa chỉ của tôi lại bị lộ. Tôi chỉ biết là sau khi làm thủ tục vay tín dụng ở một app, thì liên tục bị các nơi khác gọi tới chào mời. Tôi mong luật sẽ quy định rõ ai được giữ thông tin của tôi, và tôi có quyền yêu cầu họ xóa bỏ nếu không đồng ý."
Anh Hồ Đức Long (TP.HCM) đề xuất: "Luật cần có quy định buộc các tổ chức phải thông báo rõ ràng, minh bạch cho người dùng biết họ đang thu thập dữ liệu gì, dùng vào việc gì. Phải có lựa chọn để người dùng đồng ý hay từ chối, chứ không phải cứ dùng ứng dụng là mặc nhiên bị lấy thông tin."
Anh Thanh Khiết (Vĩnh Long) cho rằng: "Chúng tôi rất ủng hộ việc ban hành luật vì nó giúp định hướng rõ ràng cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng mong rằng luật mới sẽ cân đối giữa quyền riêng tư của người dùng và nhu cầu thu thập dữ liệu hợp pháp, phục vụ cải tiến dịch vụ."
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng kỳ vọng vào cơ chế xử lý nhanh chóng, minh bạch khi có vi phạm. Chị Lương Thị Hoa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Nếu bị lộ thông tin, người dân phải biết khiếu nại ở đâu, ai chịu trách nhiệm giải quyết. Không thể để người dân lúng túng rồi đành chấp nhận bị xâm phạm."
Luật cần thực chất, không hình thức, đó là kỳ vọng chính đáng của người dân, và cũng là trách nhiệm đặt lên vai các nhà lập pháp trong lần sửa đổi này.
Cần luật bảo vệ dữ liệu cá nhân thực chất và khả thi
Hiện nay, dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành mục tiêu bị khai thác tràn lan, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh là đòi hỏi cấp thiết. Tuy đã có nhiều cảnh báo và đề xuất, nhưng thực tế cho thấy người dân vẫn liên tục trở thành nạn nhân của việc rò rỉ, thu thập và mua bán dữ liệu trái phép, từ thông tin liên lạc cơ bản đến dữ liệu định danh và tài chính.
Nguyên nhân một phần do pháp luật hiện hành còn tản mạn, chưa hình thành một hệ thống thống nhất, trong khi các chế tài xử lý vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Việc xử lý hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân hiện còn thiếu rõ ràng, khiến cả người dân và doanh nghiệp đều lúng túng.
Do đó, việc Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cơ hội để tạo ra một khung pháp lý thực chất, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Luật cần làm rõ các khái niệm cốt lõi như dữ liệu cá nhân là gì, quyền kiểm soát dữ liệu của cá nhân ra sao, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân xử lý dữ liệu, cùng với các chế tài đủ sức ngăn chặn và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Quan trọng hơn, luật phải đảm bảo khả năng thực thi, tức là dễ hiểu, dễ áp dụng và có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Trong thời đại số, quyền riêng tư trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống số an toàn. Người dân cần được biết rõ dữ liệu của họ được thu thập vào mục đích gì, có quyền từ chối, yêu cầu xóa bỏ hoặc khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm. Việc ban hành luật không chỉ là công cụ bảo vệ cá nhân mà còn là tiền đề tạo niềm tin để thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.
Luật cần thực chất, không hình thức, đó là kỳ vọng chính đáng của người dân, và cũng là trách nhiệm đặt lên vai các nhà lập pháp.