Làng hương Quảng Phú Cầu là làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, đây là làng hương duy nhất ở Hà Nội còn giữ được nghề truyền thống.
Hiện tại, nghề làm hương có mặt ở 5 thôn: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú, nhằm phục vụ cho nhu cầu hương của người tiêu dùng ở các vùng lân cận. Nghề truyền thống không chỉ đem đến việc làm ổn định cho người dân nơi đây mà còn là niềm tự hào của bà con xã Quảng Phú Cầu.
Dịp cuối năm, người dân Quảng Phú Cầu lại tất bật lao động sản xuất để cho ra lò những mẻ hương mới phục vụ khách hàng. Chị Lý Thị Ngân cho biết: "Để làm ra những bó hương trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc chọn vầu, tuốt vót, phân lớp để chọn những que tăm chất lượng, nhuộm chân hương mang đi phơi khô, se hương rồi tiếp tục phơi cho đến khi thành phẩm."
Đối với việc nhuộm chân hương có phần nặng nhọc hơn nên lương cũng cao hơn so với người những người làm công việc khác.
Nguyên liệu làm hương được người dân nhập ở nhiều nơi, với nhiều mùi hương khác nhau. "Nguyên liệu chủ yếu là nứa, vầu, nhựa trám và các loại thảo mộc. Năm nay có đến 6 mùi hương được làm thành phẩm như hương quế, hương trầm, khuynh diệp, trám đen, hương xả và hương bài. Mỗi loại có một mùi hương rất riêng và đều bán chạy mỗi vụ tết đến", bà Lan cho hay.
Theo chia sẻ của người dân, trước kia hương sản xuất hoàn toàn thủ công, tăm có hình vuông và năng suất thấp. Hiện nay, với sự giúp sức của máy móc, công nghệ, người dân có thể sản xuất loại tăm tròn và năng suất nâng lên gấp nhiều lần.
Ngoài việc sản xuất hương que, tại đây người dân còn sản xuất những nụ hương trầm. Nụ trầm được tạo hình bằng máy và có giá cao hơn những loại hương thông thường khác.
Với nguyên liệu thảo mộc cùng với bí quyết pha trộn riêng biệt trong từng công đoạn, hương của Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu, đẹp mắt. Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.
Bà Hường (55 tuổi, người làm hương tại Quảng Phú Cầu) cho biết: "Năm nay thời tiết ủng hộ, nắng nhiều, ít mưa nên việc làm hương thuận lợi hơn mọi năm. Hương làm xong phơi đều được nắng nên không bị hư hỏng nhiều. Năm nay nhà tôi nhận được nhiều đơn hàng đặt từ cách đây 2-3 tháng, giáp tết số lượng người đặt đơn càng đông nên phải thuê thêm người về làm."
Theo người dân, những ngày thường họ chỉ làm 8 tiếng một ngày nhưng gần tết, trung bình mỗi người làm gần 10 tiếng/ngày. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15 - 20 kg hương mỗi ngày.
Công việc tuy vất vả nhưng cũng đem lại thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày, người có tay nghề cao hơn, biết chế phẩm, nhuộm màu thì thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Với những người chẻ vầu, thu nhập 100.000 đồng/ngày.
Xe công nông chở mùn cưa chất "cao như núi" không còn là điều khó thấy trong những ngày giáp tết tại Quảng Phú Cầu. Những bao tải mùn cưa sẽ được tập kết lại và có nhà thu mua đến lấy để tái chế.
Hiện nay, hương Quảng Phú Cầu là mặt hàng quen thuộc ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Nơi đây cũng là điểm đến của nhiều khách du lịch muốn tìm hiểu về làng hương trăm tuổi này.
Lâm Thùy Dương