Người dân làng quất cảnh Tứ Liên: 'Năm nay chúng tôi coi như không có Tết'

Sau cơn bão số 3, 'thủ phủ' quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) mất trắng hàng chục hecta. Đang là thời điểm chuẩn bị hàng bán dịp Tết Nguyên đán 2025 nhưng năm nay, nhiều nhà vườn chỉ còn mỗi chậu với thân cây chết khô.

 Vườn quất nhà ông Nguyễn Sơn (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) giờ chỉ còn những chậu cây chết khô

Vườn quất nhà ông Nguyễn Sơn (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) giờ chỉ còn những chậu cây chết khô

"Làm lụng vất vả cả năm, chỉ ngập 2 ngày đã thành ra tay trắng"

Đã 2 tháng kể từ khi cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão khiến 1.000 cây quất cảnh của gia đình tại phường Tứ Liên chết sạch, đến giờ, ông Nguyễn Sơn vẫn chưa dọn dẹp xong. Chúng tôi đến vườn quất của gia đình ông Sơn khi người đàn ông này đang hì hục móc bỏ đất, bỏ gốc cây chết, lấy lại bình để trồng cây mới vào đầu năm sau.

"Vườn quất cảnh của gia đình tôi chết không còn cây nào, giờ chỉ còn lại mỗi bình. Năm nay coi như không có Tết, số vốn 500 triệu bỏ ra đã mất hết. Làm lụng vất vả cả năm, chỉ ngập 2 ngày đã thành ra tay trắng", ông Sơn buồn bã nói.

Sau nhà, vườn quất xanh mướt của nhà ông Sơn ngày nào giờ chỉ còn ngổn ngang đống chum, lọ. Ông Sơn cho biết, sau khi quất chết, ông đã phải thuê nhiều người lao động để cắt gốc, móc bỏ đất, lấy lại cái bình.

Tiền công cho người làm mỗi bình từ 25 nghìn đến 50 nghìn đồng, nếu làm công nhật là 500 nghìn đồng/ngày, tính ra ông Sơn đã tốn hàng chục triệu đồng cho khâu dọn dẹp này.

Thế nhưng, đã 2 tháng trời lao động cật lực, vườn nhà ông Sơn vẫn còn nhiều cây quất chết khô trong bình chưa được đào bỏ. Những ngày gần đây, tiền dành dụm được đã cạn, thêm nữa là lao động khan hiếm nên ông Sơn tự làm.

Ông Sơn nói rằng, sau khi lũ rút đi, cán bộ địa phương cũng đã xuống nắm tình hình thiệt hại nhưng đến thời điểm hiện tại, gia đình ông vẫn chưa được hỗ trợ gì. Ông Sơn vẫn thường xuyên theo dõi tin tức từ báo, đài và theo ông, mức hỗ trợ cũng chẳng được là bao nên ông xác định phải tự mình gượng dậy.

Ông tính sẽ tiếp tục vay vốn và làm lại từ đầu bởi đây là nghề đã nuôi sống gia đình ông mấy chục năm nay, không thể bỏ được.

Vườn quất nhà ông Thắng giờ chỉ toàn chậu cây chết khô

Vườn quất nhà ông Thắng giờ chỉ toàn chậu cây chết khô

Ở đối diện nhà ông Sơn, vườn quất cảnh nhà ông Phan Văn Thắng với 2.000 cây cũng chết sạch.

"Nước lũ lên quá nhanh, vườn nhà tôi ở phía ngoài gần sông Hồng nên chạy không kịp. Nước ngập sâu khoảng 2 mét, vườn quất bị ngâm trong nước 2 ngày, không cây nào sống được. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gần một năm qua của gia đình tôi đã trôi theo dòng nước.

Nhìn vườn quất bị xóa sổ, tôi cũng chẳng tha thiết gì đến việc tái thiết. Chúng tôi trồng quất chỉ trông vào dịp Tết, giờ chưa biết lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng", ông Thắng nói.

Theo quan sát của PV, hầu hết vườn quất nằm phía bãi ngoài đê quai, gần sông Hồng gần như mất trắng. Đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn đã dọn dẹp để thu lại chậu sành, bình sứ, chuẩn bị cho việc trồng cây mới vào năm sau.

Tuy nhiên, cũng còn một số vườn như gia đình ông Thắng để cây chết khô trên chậu. Các chủ vườn quất cảnh cho biết, mọi năm, cứ độ tháng 10 âm lịch, làng quất cảnh Tứ Liên sẽ bước vào giai đoạn quan trọng và sôi động bởi đây là thời điểm cây quất cần được chăm bón cẩn thận để chuẩn bị cho vụ Tết.

Thế nhưng, năm nay làng quất Tứ Liên vắng vẻ, ảm đảm khi hơn một nửa diện tích trồng quất đã bị xóa sổ.

Mong sớm được hỗ trợ để phục hồi sản xuất

Làng cây quất cảnh Tứ Liên là một trong những thương hiệu cây cảnh có tiếng không chỉ ở Hà Nội mà cả phía Bắc, đặc biệt là quất bonsai. Với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trồng quất bonsai, nhiều cây quất Tứ Liên được trồng trong ang lớn, ghép gỗ lũa với nhiều mẫu mã độc đáo, được xem là "kiệt tác".

Người lao động được chủ vườn quất thuê dọn vườn để trồng cây mới vào đầu năm sau

Người lao động được chủ vườn quất thuê dọn vườn để trồng cây mới vào đầu năm sau

Dù dòng sản phẩm này có giá đắt đỏ nhưng nhiều người chơi vẫn không ngần ngại bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để chơi vào dịp Tết. Tuy nhiên, sau trận lũ lớn vào đầu tháng 9, những hộ trồng quất bonsai là nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất.

Một chủ vườn quất nổi tiếng ở Tứ Liên cho biết, để có được một cây quất bonsai, họ phải mất rất nhiều năm để cắt, tỉa, uốn, gò tán, tạo dáng… Giá mỗi cây dao động từ 10 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

"Gia đình tôi có một số cây đã được doanh nghiệp đặt hàng thuê cố định hàng năm, cây có giá cao nhất là 120 triệu đồng nhưng sau trận lụt, cây đã chết rũ. Mười năm chăm sóc đã thành công dã tràng", chủ vườn này chia sẻ.

Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên, cho biết, lịch sử của làng nghề chưa bao giờ trải qua trận lụt lớn như vừa qua. Trong trận lũ lụt vào năm 2008, các vườn chỉ bị nước ngập cao nhất đến đầu gối nhưng năm nay, nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều vườn quất nằm ngoài đê quai bị nhấn chìm, ngâm nhiều ngày trong nước và mất trắng.

"Ở Tứ Liên có gần 500 hộ trồng quất cảnh với diện tích hơn 40ha. Qua thống kê, ngập lụt do cơn bão số 3 khiến làng nghề quất Tứ Liên mất trắng 22ha, chiếm 65% tổng diện tích trồng quất của toàn phường. Hộ thiệt hại ít nhất cũng mất 300 - 500 triệu đồng, hộ nhiều lên đến 5-7 tỷ đồng.

Đặc biệt, các nhà vườn nổi tiếng như Xuân Lộc, Dương Gia... chuyên trồng loại quất nghệ thuật, quất bonsai, bị thiệt hại rất lớn. Riêng nhà ông Xuân Lộc, tiền công dọn dẹp sau lũ đã hết 400 triệu đồng", bà Ngà nói.

Cũng theo bà Ngà, ngày 11/11 vừa qua, đã có 183 hộ bị thiệt hại nặng được quận Tây Hồ hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng. Trước đó, Hội LHPN quận Tây Hồ đã hỗ trợ những phụ nữ trồng quất khó khăn 30 triệu đồng.

Hội làng nghề cũng hỗ trợ 20 triệu đồng. Gia đình bà Ngà thuộc hộ trồng ít nhất, trong tổng số 300 cây quất cảnh chỉ "cứu" được một nửa nhưng số này cũng chẳng còn nguyên vẹn.

Bà Ngà nói rằng, sản phẩm quất cảnh của phường Tứ Liên chỉ chiếm khoảng 1/4 thị trường quất cảnh của Thủ đô nhưng đây là nơi trồng quất nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Vì vậy, việc 22ha quất cảnh Tứ Liên bị thiệt hại sau lũ lụt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường quất Tết Nguyên đán ở Hà Nội năm nay. Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên cho biết thêm, trong số 500 hộ trồng quất, có khoảng 70% hộ phải vay vốn ngân hàng.

Các ngành nghề trên địa bàn phường đang vay vốn ngân hàng 58,7 tỷ đồng, riêng vay để trồng quất lên đến 40 tỷ đồng.

"Sau trận lũ lớn, nhiều nhà vườn rất khó khăn về kinh tế. Tôi cũng như các hộ dân bị thiệt hại đang mong chờ sẽ sớm nhận được hỗ trợ để tái đầu tư, phục hồi sản xuất. Vừa qua, chúng tôi có kiến nghị lên UBND quận Tây Hồ đề xuất UBND Thành phố Hà Nội có cơ chế hỗ trợ các hộ bị thiệt hại và đang chờ quyết định tại cuộc họp HĐND Thành phố trong tháng 11 này", bà Ngà chia sẻ.

Mặc dù còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hiện tại, nhiều người đã bắt đầu tìm đến phường Tứ Liên để "đặt hàng". Bà H., một "đại lý" chuyên bán quất Tứ Liên, cho biết, mỗi dịp Tết Nguyên đán, bà mở 4-5 địa điểm bán quất cảnh. Những ngày qua, bà H. đã đến xem quất tại nhiều nhà vườn để gom hàng.

"Quất Tứ Liên đã là thương hiệu và tôi chỉ bán quất của các nhà vườn ở đây. Thị trường quất Tết thường sôi động từ tháng 11 âm lịch nhưng năm nay, do số lượng bị giảm quá nhiều, dự báo nguồn cung từ làng quất Tứ Liên cũng bị giảm mạnh so với mọi năm nên tôi sẽ đặt hàng sớm để phòng đến gần Tết Nguyên đán, quất cảnh tăng giá", bà H. dự báo.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-lang-quat-canh-tu-lien-nam-nay-chung-toi-coi-nhu-khong-co-tet-20241119141943292.htm