Người dân Leng Su Sìn tái đàn lợn sau dịch tả

ĐBP - Trở lại xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé vào dịp này, chúng tôi thấy nhiều hộ dân tất bật với việc cân đo, xuất chuồng đàn lợn cho thương lái tới tận nhà thu mua. Mặc dù giá bán thịt lợn hơi và lợn giống thời điểm này đang thấp hơn so với dịp đầu năm nhưng bà con trong xã Leng Su Sìn ai nấy đều vui và phấn khởi, bởi đây chính là đợt xuất chuồng, bán lợn đầu tiên sau hơn một năm khôi phục, tái đàn vì dịch tả lợn châu Phi.

Người dân xã Leng Su Sìn chăm sóc đàn lợn.

Chuyển biến rõ nhất trong chăn nuôi của bà con xã Leng Su Sìn chính là những chuồng trại kiên cố được dựng lên để nuôi nhốt lợn, thay vì thả rông lợn khắp bản như trước kia. Dịch tả lợn châu Phi khiến lợn chết hoặc phải tiêu hủy hàng loạt đã trở thành “kinh nghiệm xương máu”, giúp bà con chú trọng, nâng cao ý thức phòng dịch bệnh trong chăn nuôi. Tuy số lượng, cơ cấu đàn chưa đạt quy mô trước dịch nhưng bà con đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác. Chuồng trại được xây dựng nuôi nhốt, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, định kỳ tẩy uế, phun phòng chuồng trại… Đến nay khi bà con xuất chuồng lứa lợn đầu tiên, nhiều thương lái thấy chất lượng thịt lợn đảm bảo đã vào tận bản thu mua.

Riêng tại bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, trước đây có hơn 40 hộ bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi; hiện nay đã có hơn 30 hộ tái đàn lợn. Phấn khởi vì bán được nhiều lợn, chị Lỳ Su Pứ, bản Leng Su Sìn chia sẻ: Trong đợt xuất chuồng này, tôi bán được 1/3 số lợn, với tổng trọng lượng gần 6,5 tạ cho thương lái thu mua. Còn lại lợn giống tôi tiếp tục nuôi để tái đàn. Nếu trừ hết chi phí, đợt này tôi thu lãi được 10 triệu đồng. Tuy số tiền không nhiều nhưng tôi rất vui, bởi trong một năm qua, gia đình tôi đã khá vất vả, chật vật khi phải bỏ toàn bộ vốn liếng dành dụm của gia đình để đầu tư chăn nuôi trở lại.

Mới đây, người chăn nuôi tại bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn cũng bắt tay vào việc tu sửa, dựng chuồng trại và mua lợn giống về chăn nuôi trở lại sau những tháng ngày dài chuồng trại bỏ không. Trong bản, ngoài các hộ nuôi lợn người địa phương còn có một số hộ dân kinh doanh là người miền xuôi lên định cư và nuôi lợn theo quy mô trang trại, số lượng đàn tương đối lớn, từ 20 - 40 con.

Được biết, trong đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Mường Nhé thì Leng Su Sìn là xã bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng đến nay, rất nhiều hộ dân thuộc 7 bản trong xã đã tái đàn, khôi phục chăn nuôi. Ông Chang A Khày, Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết: “Khi lợn chết dịch, bà con trong xã mất cả vốn lẫn lãi, khiến kinh tế gia đình thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ dân đã có tâm lý chán nản, muốn bỏ bê chuồng trại, đi làm nghề khác. Do vậy, song song với việc đối phó với dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã tham mưu chính quyền cấp trên triển khai các biện pháp hỗ trợ cho bà con chăn nuôi trong xã, đặc biệt là những hộ bị thiệt hại nặng do dịch tả. Bằng các nguồn vốn từ chế độ, chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số và một số chính sách khác, bà con chăn nuôi lợn trong xã đã được vay thêm vốn hoặc hỗ trợ thêm tiền để phát triển chăn nuôi trở lại”.

Ngoài việc hỗ trợ nêu trên thì chính quyền xã Leng Su Sìn và các đoàn thể xã cũng thường xuyên xuống tận bản tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục chăn nuôi. Mặt khác cũng yêu cầu bà con khi chăn nuôi trở lại phải phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đàn vật nuôi để kịp thời có biện pháp phòng chống, xử lý dịch bệnh, tránh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, cũng như các dịch bệnh khác trên đàn lợn.

Bài, ảnh: Phương Liên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189485/nguoi-dan-leng-su-sin-tai-dan-lon-sau-dich-ta