Người dân lo lắng về đập tạm trên sông Quảng Huế

Để đảm bảo cấp nước tưới cho các công trình khai thác nước, trạm bơm tưới của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và cấp nước giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng, hằng năm các cơ quan chức năng đã triển khai xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế, nơi tiếp giáp với sông Vu Gia, thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc.

Tuy nhiên, từ khi xây dựng đập tạm đến nay, khu vực dân cư ở phía hạ lưu đập tạm lại bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa nắng và sạt lở nặng đất sản xuất trong mùa mưa lũ.

Ông Ngô Đình Nguyện, Trưởng thôn Phú Nghĩa, xã Đại An cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hằng năm cơ quan chức năng đều xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế với mục đích điều tiết lượng nước từ sông Quảng Huế về sông Vu Gia để đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ du sông Vu Gia và cấp nước cho người dân TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế đã kéo theo hệ lụy khi người dân xã Đại An nằm phía hạ lưu đập tạm bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô và gây nên tình trạng sạt lở đất sản xuất ven sông vào mùa mưa lũ.

Hiện trạng đập tạm trên sông Quảng Huế tại xã Đại An, huyện Đại Lộc.

Hiện trạng đập tạm trên sông Quảng Huế tại xã Đại An, huyện Đại Lộc.

Theo ông Nguyện, thôn Phú Nghĩa có 367 hộ thì có đến hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng do đập tạm trên sông Quảng Huế gây nên. “Vào mùa khô, người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nên phải khoan thêm giếng, làm thêm hệ thống lọc để có nước sử dụng. Vào mùa mưa lũ thì nước chảy xiết đã gây nên tình trạng sạt lở đất sản xuất ven sông Quảng Huế. Người dân xã Đại An đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này, song đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm”, ông Nguyện nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An, xác nhận có tình trạng người dân trong xã bức xúc, lo lắng về công trình đập tạm trên sông Quảng Huế. Người dân xã Đại An đồng tình với chủ trương xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế, nhưng đề nghị cơ quan chức năng cần có phương án điều tiết một lượng nước nhất định về sông Quảng Huế, bởi việc xây dựng đập tạm này trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân 4/5 thôn trong xã Đại An gồm thôn Phú Nghĩa, Phú Hòa, Phú Phước và Quảng Huế.

Về mùa khô, mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất khu vực hạ du sông Quảng Huế thiếu hụt nghiêm trọng. Về mùa mưa, bờ kè sông Quảng Huế (đoạn thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, hạ du sông Quảng Huế), năm 2020, 2021 mưa lũ gây sạt lở chiều dài bờ kè 150m và diện tích đất sản xuất 1,5ha. Hiện nay vị trí sạt lở cách nhà dân khoảng 50m. Do đó, khi tiếp nhận kiến nghị của người dân, chính quyền xã Đại An đã có công văn gửi UBND huyện Đại Lộc và các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Mới đây, ngày 16/6, Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc đã có báo cáo tình hình bức xúc, nổi cộm trong nhân dân xã Đại An về việc xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế gửi Thường trực Huyện ủy Đại Lộc và Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam. Sau khi tiếp nhận báo cáo này, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.

Tiếp nhận công văn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, ngày 24/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giao Sở NN&PTNT nghiên cứu nội dung báo cáo, đề nghị của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc; chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại An và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình, xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân xã Đại An, huyện Đại Lộc; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, giải quyết đối với nội dung vượt thẩm quyền.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nguoi-dan-lo-lang-ve-dap-tam-tren-song-quang-hue-i658445/