Người dân lo ngại thuốc giả, sữa giả tràn lan trên thị trường
Tình trạng sữa giả, thuốc giả tràn lan trên thị trường đang khiến người dân lo lắng, bức xúc, trong khi các cơ quan chức năng bắt đầu có những động thái mạnh mẽ để xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Tại buổi tiếp xúc cử tri các xã huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chiều 24.4 chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Phước – cử tri thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc sữa giả, thuốc giả xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Theo ông Phước, những đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, xương khớp là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đáng lo ngại hơn, một số đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả còn lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá, khiến người tiêu dùng dễ mắc bẫy, rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
“Vấn nạn này cực kỳ nguy hiểm. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp mạnh tay, xử lý triệt để để lấy lại niềm tin cho người dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Phước nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Phước nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri
Trước lo ngại của cử tri, ông Nguyễn Tuấn Việt – Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hoạt động sản xuất và buôn bán sữa giả, thuốc giả hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không đứng ngoài cuộc.
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Công văn số 1136 ngày 21.4 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược, Sở Y tế Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề.
Dự kiến, ngày 26.4 sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh dược trên toàn địa bàn thành phố.
“Chúng tôi đang triển khai rất quyết liệt, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đặc biệt nếu phát hiện các sản phẩm nằm trong danh sách 21 loại thuốc giả do Bộ Y tế công bố”, ông Việt khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Việt cho biết, qua nhiều năm thanh tra, phần lớn các sản phẩm thuốc giả, đặc biệt là kháng sinh, không phổ biến tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, công tác kiểm soát vẫn cần siết chặt hơn nữa.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường, hoạt động các đơn vị sản xuất thuốc, sữa do nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Quản lý thị trường…quản lý. Do đó, việc phối hợp giữa các đơn vị là điều cấp thiết.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị để có quan điểm trả lời rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai. Quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm cũng như là quan tâm đến cái việc đảm bảo sức khỏe của người dân”, ông Cường nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải tổ chức kiểm tra đột xuất, không chờ kế hoạch hay quy trình
Đặc biệt, ông Cường yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố, bao gồm Sở Y tế, Quản lý thị trường, Ban An toàn thực phẩm và Công an phải tổ chức kiểm tra đột xuất, không chờ kế hoạch hay quy trình.
Theo ông Cường, Đà Nẵng thuận lợi hơn các địa phương khác là có riêng Ban An toàn thực phẩm (sẽ đưa về mô hình Chi cục thuộc Sở Công Thương) và lực lượng quản lý thị trường cùng đã đưa về địa phương, nên các đơn vị phải phối hợp triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát.