Người dân Lũng Quang thu nhập ổn định từ làm giấy bản

Nhóm hộ Lũng Quang thuộc tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) nhiều người biết đến với nghề sản xuất giấy bản. Nghề làm giấy bản thảo mộc ở Lũng Quang đã xuất hiện trên 100 năm, đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Những năm gần đây, nghề này phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ.

Để tạo ra giấy bản, người dân lấy cây sla mu được trồng ở rẫy hoặc cây sla lình mọc tự nhiên trên núi khoảng 3 - 4 năm tuổi, bóc lấy phần vỏ trắng đem ngâm trong mương nước chảy hoặc khe nước sạch từ 2 - 3 ngày để vỏ cây sạch nhựa. Khi vỏ mềm, vớt ra và đem ngâm hoặc giẫm trong nước vôi đặc để giúp vỏ chín đều. Vỏ cây sau khi ngâm qua nước vôi đặc sẽ được xếp vào thùng, chảo trâu (hoặc nồi) đun sôi liên tục trên 24 giờ và được ủ qua 1 ngày 1 đêm. Khi vỏ đã nguội, vớt ra đem ngâm tại các mương nước chảy từ 1 - 2 ngày để rửa sạch vôi hoàn toàn. Vỏ cây đã nấu chín và rửa sạch vôi được giã, đập trên một chiếc phản gỗ cho đến khi thành một dạng bột nhuyễn rồi dùng chất nhầy từ cây thau mjạc để tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này được pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy và kinh nghiệm của mỗi người, đem pha trong bể tráng giấy có thể tích từ 1 - 1,5 m3. Khi tráng giấy, dùng liềm seo (là một mành nứa hoặc giang chẻ nhỏ như sợi tăm) rồi dùng sợi tơ se lại, chao đi chao lại trong bể bột giấy, lớp bột trên liềm chính là tờ giấy bản. Sau khi giấy được tráng thành đống, dùng các vật nặng đè lên đống giấy để ép bớt nước từ 6 - 8 giờ là có thể bóc từng lớp rồi đem sấy khô. Giấy được dán lên 2 mặt của lò sấy, đun lửa đều (trời nắng thì không cần đun lò sấy). Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm là lột giấy, chọn giấy, xếp và đếm giấy.

Người dân nhóm hộ Lũng Quang, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) làm giấy bản.

Người dân nhóm hộ Lũng Quang, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) làm giấy bản.

Giấy bản thảo mộc Lũng Quang được sản xuất theo quy trình thủ công, không có độ axít nên tuổi thọ cao, có thể bảo quản được hàng trăm năm. Các chất thải rắn từ gỗ cây sla mu, sla lình và vỏ thải loại được bà con tận dung phơi khô để làm chất đốt, dùng để đốt lò sấy giấy; khí thải phát sinh trong sản xuất ít, chủ yếu trong quá trình nấu vỏ cây và đốt lò sấy giấy gần như không ảnh hưởng đến môi trường; nước thải phát sinh trong giai đoạn ngâm vỏ cây thấm vào đất hoặc đổ ra hệ thống mương nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Vôi bột còn được dùng để cải tạo đất, khử phèn chua trong đất hay có thể dùng để khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông Nông Thị Tuyết Mai, với nguồn nguyên liệu tự nhiên, người dân dày dặn kinh nghiệm, hiện nay làm giấy bản thảo mộc là một trong những nghề mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thời gian nông nhàn. Nhóm hộ Lũng Quang có 18 hộ, trong đó có 15 hộ sản xuất giấy bản. Mỗi hộ sản xuất từ 500 - 550 tao/năm (mỗi tao gồm 100 tờ). Sản phẩm khẳng định được uy tín trên thị trường trong huyện và một số huyện lân cận, ngoài ra các thương lái từ Hà Giang đến tận nhà để mua, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Từ làm giấy bản thảo mộc, các hộ dân ở Lũng Quang có nguồn thu nhập ổn định; thu nhập từ làm giấy bản thảo mộc chiếm khoảng 50% tổng nhu nhập trong hộ gia đình. Nghề làm giấy bản không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà với người dân Lũng Quang còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề truyền thống.

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguoi-dan-lung-quang-thu-nhap-on-dinh-tu-lam-giay-ban-3169927.html