Người dân mệt mỏi vì nắng nóng
Những ngày qua, nắng nóng diện rộng xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt, trong ngày 5, 6, 7/5, nắng nóng mở rộng ra ở cả Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ dữ liệu quan trắc cho thấy, nắng nóng xảy ra gay gắt nhất vào ngày 5 và 6/5. Mức nhiệt cao nhất ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ phổ biến trong khoảng từ 36-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Tại Hà Nội, đây là đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong năm 2023. Người dân mưu sinh ngoài đường bắt đầu cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của thời tiết trong đợt nắng nóng. Trên đường phố, nhiều người tận dụng bóng mát dưới những gốc cây, gầm cầu để nghỉ ngơi, tránh nắng. Những người bắt buộc phải di chuyển trên đường đều trang bị kín mít.
3 tháng qua, tại địa bàn tỉnh Sơn La liên tục có nắng nóng kéo dài, có ngày nhiệt độ ngoài đường lên tới 39 độ C. Khoảng 6 năm trở lại đây, tại tỉnh này mới ghi nhận đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng như vậy. Tại nhiều huyện vùng dọc sông Đà, có nơi ghi nhận nhiệt độ từ 41-42 độ C, đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại các huyện: Yên Châu, Sốp Cộp, Mường La, Mai Sơn và TP Sơn La, do người dân vẫn đốt nương trong ngày nắng nóng cho nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, ước tính thiệt hại khoảng 10ha rừng hỗn giao, tái sinh...
Còn tại Nghệ An, một số địa phương nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao trên 40 độ C, như khu vực huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp nhiệt độ có lúc lên trên 41 độ C, Tương Dương ngày 4/5 đạt mức 41,7 độ C. Còn Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... nhiệt độ lên tới 42 độ C.
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà còn khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương cần duy trì lực lượng trực 24/24 giờ tại chòi canh lửa; tập trung lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các tổ chốt chặn cửa rừng để kiểm tra người ra vào rừng, tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng lửa trong rừng gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì...
Đỉnh điểm của nắng nóng phải kể đến Thanh Hóa. Nhiệt độ kỷ lục 44,1 độ C đã đo được tại trạm Hồi Xuân ngày 6/5. Nhiệt độ này đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất 43,4 độ C quan trắc được tại trạm Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4/2019.
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, đây là đợt nắng nóng gay gắt diện rộng có khả năng mạnh nhất của tháng 5/2023. Sau đợt nắng nóng diện rộng này Bắc Bộ, miền Trung liên tục có mưa dông nên tuần tới thời tiết mát mẻ.
Thời tiết nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, cần chú ý đề phòng với nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Ngày 8/5, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố thuộc phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ̣, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Do vậy, từ ngày 8/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi cao hơn 60mm. Ngày và đêm 8/5, thời tiết Hà Nội và các tỉnh thuộc phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 22-25 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-met-moi-vi-nang-nong-5717163.html