Người dân miền núi chưa 'mặn mà' với công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản

Hiện nay, một số tỉnh nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của Đề án 818, chưa quan tâm tới việc chỉ đạo tổ chức triển khai Đề án...

Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818).

Các chuyên gia nhận định, việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động, đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số được Đảng và Nhà nước giao phó.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc triển khai Đề án này hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tỉnh Lai Châu mới triển khai thực hiện Đề án từ năm 2019 và lựa chọn triển khai thực hiện tại 14 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố làm mô hình điểm về xã hội hóa các phương tiện tránh thai và cung ứng các sản phẩm của Đề án 818.

Cán bộ dân số tư vấn cho người dân tại Đắk Nông sử dụng các biện pháp tránh thai. Ảnh Báo Đắk Nông

Cán bộ dân số tư vấn cho người dân tại Đắk Nông sử dụng các biện pháp tránh thai. Ảnh Báo Đắk Nông

Song, theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Lai Châu, việc xây dựng kế hoạch Đề án, tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế ở các cấp. Đề án thực hiện còn mang tính hình thức, các nội dung hoạt động không có, cụ thể các sản phẩm thuộc Đề án 818 đã có văn bản gửi cho các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nhưng không khả thi và hồi đáp để thực hiện.

Bên cạnh đó, nhận thức về nội dung và ý nghĩa của Đề án chưa thực sự được quan tâm ở các cấp tại cơ sở, công tác truyền thông chuyển đổi hành vi và tư vấn về các sản phẩm còn nhiều bất cập về nội dung và hình thức, về xác định đối tượng tham gia, kỹ năng truyền thông giáo dục.

Theo ông Hoàng Hải Hưng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lai Châu, nguyên nhân dẫn đến bất cập trên là do một số nơi nhất là cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của Đề án 818, chưa quan tâm tới việc chỉ đạo tổ chức triển khai Đề án.

Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số xã chưa nhiệt tình trong gói sản phẩm của Đề án. Hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khỏe kế hoạch hóa gia đình còn quá mỏng, công tác tư vấn hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Công tác tuyên truyền các sản phẩm của Đề án vận động người dân chuyển đổi hành vi còn hạn chế, chưa được đổi mới về phương pháp, nội dung tuyên truyền chưa đầy đủ nhất là thông tin về các sản phẩm của Đề án. Người dân còn mang nặng tâm lý được bao cấp, chưa quen với việc tự chi trả cho các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản...

Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên, theo lãnh đạo ngành Dân số tỉnh Lai Châu, việc triển khai Đề án cũng gặp khó khăn do điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn rộng, giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo và người không biết tiếng, biết chữ còn cao. Giá bán một số sản phẩm trong Đề án 818 còn cao đối với các vùng có kinh tế thấp, nên khó tiếp cận với số đông người dân.

Không chỉ Lai Châu, tại Đắk Nông, việc triển khai Đề án 818 cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ Đắk Nông, nguyên nhân là do đây là tỉnh nghèo có điểm xuất phát thấp, là tỉnh đa dân tộc, với cộng đồng dân cư gồm 40 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh. Dân tộc M’Nông, Mạ và Ê Đê là 3 dân tộc sinh sống lâu đời ở địa phương, chiếm trên 30% so với tổng số dân tộc thiểu số, toàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Do đó, mặc dù Đề án Xã hội hóa được triển khai từ năm 2016 với việc cung cấp viên uống tránh thai, bao cao su, hàng hóa sức khỏe sinh sản... song người dân vẫn chưa quen với sử dụng phương tiện tránh thai phải chi trả.

Chính vì vậy, số lượng hàng tiêu thụ còn rất hạn chế. Cụ thể, tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh chỉ phân phối được 17.280 chiếc bao cao su Hello; 5.760 chiếc bao cao su Hello Plus; 4.536 vỉ viên uống tránh thai Anna; 1.020 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis và 20 hộp bột Canxi.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-dan-mien-nui-chua-man-ma-voi-cong-tac-xa-hoi-hoa-phuong-tien-tranh-thai-dich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-suc-khoe-sinh-san-172211130115948883.htm