Người dân nên ứng phó thế nào khi xảy ra động đất?

Khi xảy ra động đất, người dân cần làm gì và không nên làm gì để giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn, đảm bảo an toàn tính mạng?

Trong ngày 23/8 (tính đến 18 giờ 5 phút), tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 7 trận động đất có độ mạnh từ 2,5 – 4,7 độ Richter. Trong đó, có 1 trận động đất mạnh 4,7 độ Richter, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1, gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng đến khu vực lân cận gồm cả tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.

Ngay trong chiều tối 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với động đất. Trong đó, có yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

Bình tĩnh ứng phó khi xảy ra động đất để giảm thiểu giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn, đảm bảo an toàn tính mạng (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Bình tĩnh ứng phó khi xảy ra động đất để giảm thiểu giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn, đảm bảo an toàn tính mạng (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Động đất tại nước ta thường là những rung chấn nhỏ, kỹ năng thoát hiểm của người dân còn hạn chế.

Dưới đây là hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về những việc cần làm và không nên làm ứng phó khi có động đất xảy ra (có thể sử dụng cho cả trẻ em).

Những việc nên làm khi xảy ra động đất:

Khi rung chấn bắt đầu, nếu đang ở trong nhà hoặc những lớp học kiên cố chắc chắn, hãy sử dụng ngay những vật cứng che đầu; núp dưới gầm bàn hoặc các tủ đồ gỗ cho đến khi rung chấn kết thúc để tránh các đồ vật rơi xuống làm bị thương.

Nếu trong nhà không có bàn ghế hoặc tường chắc chắn, hãy che kín mặt, đầu và nép mình vào góc nhà, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, hoặc đồ vật bằng kính.

Khi hết rung chuyển thì di chuyển khỏi nhà tòa nhà bằng cầu thang bộ thật nhanh xuống đất, đứng ở nơi thoáng mát cho đến khi rung chấn kết thúc.

Nếu đang di chuyển trong ô tô thì dừng xe ở vị trí an toàn chờ hết rung lắc.

Kiểm tra ngay tình trạng bản thân, nếu bị thương cần báo ngay cho bố mẹ, người lớn (nếu là trẻ em).

Các việc không nên làm:

Hạn chế di chuyển liên tục.

Không sử dụng thang máy, vì sau rung chấn thường mất điện và thang máy có thể gặp sự cố, hư hỏng. Nếu ở ngoài trời, không nên đứng gần các tòa nhà cao tầng, không đứng dưới cột điện, đường dây, gầm cầu vì có thể bị sập.

Các dư chấn vẫn có thể diễn ra sau khi động đất đã kết thúc. Nên không vui chơi hoặc ở cạnh các ngôi nhà có dấu hiệu bị nứt, vỡ, nghiêng, đổ.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-dan-nen-ung-pho-the-nao-khi-xay-ra-dong-dat-217942.html