Người dân nên vì mục tiêu phát triển chung của địa phương

Dự án mở rộng quy hoạch Nhà máy TNG Phú Bình tại Cụm công nghiệp Kha Sơn, xã Kha Sơn (Phú Bình) bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2012, thế nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa thực hiện xong. Vướng mắc chủ yếu là một số hộ dân chưa đồng thuận với mức chi trả bồi thường.

Phần đất Dự án chưa hoàn thành GPMB được Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG quây bằng tôn, ngăn lại nhiều năm qua.

Phần đất Dự án chưa hoàn thành GPMB được Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG quây bằng tôn, ngăn lại nhiều năm qua.

Dự án được thực hiện trên cơ sở Quyết định 431/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND tỉnh về việc thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thuê để mở rộng Nhà máy may TNG Phú Bình. Ngay sau khi có Quyết định này, Hội đồng bồi thường GPMB Dự án thuộc UBND huyện Phú Bình đã tiến hành triển khai các bước bồi thường GPMB cho người dân. Dự án có tổng diện tích hơn 4,1ha với 65 hộ bị thu hồi đất, trong đó có 6 hộ dân phải di chuyển chỗ ở, còn lại chủ yếu là hộ có đất nông nghiệp. Thực hiện Dự án, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đồng ý ứng tiền cho huyện để thực hiện GPMB, số tiền này sẽ được trừ vào tiền thuê đất hàng năm của doanh nghiệp.

Tại thời điểm bắt đầu triển khai Dự án (năm 2012) đã có 58/65 hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù với tổng kinh phí chi trả gần 9,5 tỷ đồng. 7 hộ dân còn lại chưa đồng thuận trong nhiều năm đã khiến việc bồi thường GPMB bị chậm. Các hộ dân này không nhất trí với phương án về giá bồi thường tại thời điểm đó. Ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (cơ quan thường trực Hội đồng bồi thường GPMB Dự án) cho biết: Để giải quyết các vướng mắc đối với 7 hộ dân này, huyện đã nhiều lần phối hợp với chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể liên quan xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động, song các hộ vẫn không đồng thuận với lý do chủ yếu là yêu cầu mức chi trả bồi thường GPMB cao hơn. Sự việc không được giải quyết dứt điểm từ năm 2012 mà kéo dài trong nhiều năm bởi nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, năm 2013, Luật Đất đai mới ra đời, chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2014 thay thế Luật Đất đai 2003, do vậy, các cán bộ làm công tác GPMB còn lúng túng trong việc áp dụng những quy định, chế tài về cưỡng chế trong thực hiện Dự án. Cũng trong thời gian này, một số hộ dân chưa đồng tình đã gửi đơn đề nghị kiểm tra Dự án đến các cơ quan của tỉnh và Trung ương, gây kéo dài thêm thời gian để chờ được giải quyết. Đầu năm 2018, thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động mới có 5/7 hộ chưa đồng thuận từ năm 2012 đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 2 hộ dân là gia đình bà Trần Thị Lan và Đỗ Thị Vóc, ở xóm Tân Thành vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB. Hai hộ này cho rằng phải thực hiện đền bù theo mức giá tương đương với các dự án đang được triển khai hiện nay. Theo ông Dương Ngọc Yên, phương hướng giải quyết của huyện là sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền 2 hộ dân nhận tiền đền bù theo mức giá đã phê duyệt từ năm 2012. Nếu các hộ vẫn không đồng thuận thì trong quý III-2019, huyện sẽ tiến hành thực hiện các bước cưỡng chế theo quy định. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Giang, Trưởng phòng Xây dựng cơ bản, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG trăn trở: Dự án mở rộng bao gồm cả hạng mục xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong tổng số gần 3.500 công nhân tại chi nhánh TNG Phú Bình thì có tới 80% đến từ các xã xa của huyện Phú Bình, một số huyện lân cận và cả ở tỉnh Bắc Giang. Do vậy, chúng tôi rất mong việc GPMB sớm được hoàn thành để triển khai hạng mục này.

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, chính quyền địa phương cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa, người dân cũng nên sớm đồng thuận và cùng chia sẻ với địa phương để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung.

Hoàng Cường - Nguyễn Lê

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nguoi-dan-nen-vi-muc-tieu-phat-trien-chung-cua-dia-phuong-264401-85.html