Người dân ngao ngán trước cảnh tắc đường ở trung tâm TP. Cần Thơ
Ùn tắc giao thông luôn là nỗi ám ảnh, ngao ngán của người dân tại các thành phố lớn và TP. Cần Thơ cũng không ngoại lệ.
Nút giao Nguyễn Văn Linh-3 Tháng 2 là một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê An
Liên tục xảy ra tắc đường
Những năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở trung tâm TP. Cần Thơ không chỉ xảy ra vào các khung giờ cao điểm mà còn có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ các ngã tư lớn, đến các tuyến đường nội thị, cho đến các con hẻm.
Chấp nhận việc tắc đường như là một phần cuộc sống nơi đô thị, hằng ngày khi đưa đón con đi học cũng như giao hàng, chị H.T.K.N (ngụ khu vực phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) lựa chọn giải pháp đi lệch khung giờ.
“Từ mấy năm qua, sáng tôi đưa con đi sớm hơn, chiều phải rước trễ hơn để tránh giờ kẹt xe. Tuy nhiên, việc này cũng đã ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi của các cháu” chị N. cho biết.
Còn theo anh L.T.P (ngụ tỉnh Hậu Giang), tài xế lái xe dịch vụ du lịch, đoạn đường từ nút giao Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2 rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh (QL91B) đi đến giao lộ giữa QL91B và QL91 chỉ khoảng 15km, nhưng phải mất từ 45 phút đến hơn 1 giờ để di chuyển.
“Từ Hậu Giang đi Ô Môn chỉ có con đường Nguyễn Văn Linh đi là gần nhất. Nhưng xe quá đông. Có những hôm cao điểm, xe xếp hai hàng kéo dài từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương đến ngã tư Nguyễn Văn Linh-3 Tháng 2, làm chậm trễ thời gian đi của khách. Chúng tôi chỉ mong muốn ngành chức năng sớm giải quyết tạo điều kiện cho người dân”, anh P. chia sẻ.
Trên địa bàn quận Ninh Kiều có 27 nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông. Trong đó, 5 nút giao thông quan trọng gồm: Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4; Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; Trần Hưng Đạo -3 Tháng 2 - đường Mậu Thân; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt và một số tuyến đường cửa ngõ trung tâm TP Cần Thơ như Nguyễn Văn Linh (QL91B), đường Cách Mạng Tháng Tám,…hiện đang chịu áp lực giao thông rất lớn bởi lưu lượng phương tiện, lưu thông qua lại dày đặc, quá tải dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông.
Đặc biệt là khi mưa lớn kéo dài, hay triều cường lên cao, khiến cho tình trạng giao thông càng trở nên lộn xộn, nhiều nút giao thông bị rối loạn.
Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đã cố gắng phân luồng, điều tiết, nhưng thời gian ùn ứ, ách tắc giao thông vẫn kéo dài.
Dòng phương tiện chen chúc chờ đèn xanh tại nút giao đường Nguyễn Hiền - Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Lê An
Tỷ lệ người dân đi xe buýt chỉ chiếm 1%
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng với quận Ninh Kiều, Ban ATGT TP, Công an và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, như điều tiết giao thông bằng đèn tín hiệu trên giá long môn có bố trí lệch pha đèn; bố trí, điều chỉnh lại dải phân cách, làn đường cho phù hợp tại các nút giao nói trên. Đồng thời, tổ chức “Cấm các phương tiện tải trọng lớn, xe container lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh trong 3 khung giờ cao điểm”.
“Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, nguy cơ ùn tắc giao thông hiện tại và những năm tiếp theo là không thể tránh khỏi. Đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, sự kiện, lễ hội và triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập”, đại diện Sở GTVT TP. Cần Thơ thẳng thắng nhìn nhận.
Người đứng đầu đơn vị này cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hiện nay, diện tích đất giành cho giao thông ở khu vực quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy,… chỉ khoảng 12% trong khi yêu cầu nghị định của Chính phủ thì tỉ lệ này phải từ 22-24%. Riêng quận Ninh Kiều, diện tích tự nhiên khoảng 29km2,với khoảng 116 tuyến đường trục chính, đường gom có tính chất giao thông với tổng diện tích mặt đường 1,22km2.
Mặt khác, trong 5 năm trở lại đây, phương tiện cá nhân tăng 10%, nhưng diện tích mặt đường chỉ tăng chưa đến 5%. Qua đó cho thấy tỉ lệ đất cho giao thông chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng phương tiện cá nhân.
Nguyên nhân tiếp theo là, do tốc độ đô thị hóa trong những năm gần đây trên địa bàn quận Ninh Kiều và Cái Răng tăng mạnh, nhiều nhà cao tầng được xây dựng nhưng không bố trí các bãi đỗ xe gây áp lực cho hệ thống giao thông.’
Nguyên nhân nữa là do tổ chức giao thông còn thiếu sự hợp lí, chưa tách dòng phương tiện có tải trong lớn ra ngoài TP do chưa xây dựng được các đường vành đai. Đồng thời, chưa ứng dụng được công nghệ thông tin vào để điều khiển hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao thông điểm, dẫn đến tình xảy ra xung đột, phức tạp vào những giờ cao điểm.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như giao thông công cộng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, tỷ lệ người dân tham gia thấp chưa đến 1%; chưa có nhiều bãi đỗ xe công cộng, phải sử dụng lòng đường để giữ xe như đường Võ Văn Tần, Nguyễn thái Học, Châu Văn Liêm,…
Các tuyến đường nội thị đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn. Ảnh: Lê An
Trông chờ “bài thuốc đặc trị”
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, trước mắt từ nay đến cuối năm 2020, sẽ đôn đốc Ban Quản lý dự án ODA sớm triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình như đường và cầu Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung đơn nguyên 2, nâng cấp đường Hoàng Quốc Việt,… góp phần chia sẻ áp lực giao thông đô thị trên địa bàn.
Đồng thời, trong nhiệm kỳ 2021-2025 đề nghị UBND quận Ninh Kiều đầu tư 27 bãi đỗ xe công cộng, giải quyết nhu cầu đậu, đỗ xe khu vực trung tâm TP.
Về lâu dài, TP đang điều chỉnh quy hoạch chung định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2025 sẽ tham mưu dành từ 22-25% quỹ đất cho giao thông.
“Khi các công trình trên đưa vào khai thác, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu tổ chức giao thông lại khu vực trung tâm TP theo hướng phân luồng, kiểm soát hoạt động ra, vào trung tâm, chỉ cho phép các phương tiện tải trọng lớn hoạt động vào ban đêm”, đại diện Sở GTVT nói.
Đồng thời, đề xuất đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị nhằm nâng tỷ lệ đất giao thông đô thị, nâng tỷ lệ vốn đầu tư công cho giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025 lên khoảng 30 -35% để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông và đặc biệt là tỷ lệ đất giao thông đô thị theo quy định.
Trong đó, tập trung vào một số công trình trọng điểm như Đầu tư xây dựng đường Vành đai phía Tây TP (tuyến nối QL91 với đường Nam sông Hậu); nâng cấp, mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ vòng xoay Nguyễn Trãi đến cảng Cần Thơ, lộ giới 36m; Nâng cấp, mở rộng đường Mậu Thân đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến cầu Rạch Ngỗng, lộ giới 40m; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ giao đường 3/2 đến giao Trục đường Hẻm 91, lộ giới 40m; cải tạo 5 nút giao thông theo hướng mở rộng đủ bố trí 4 làn xe.
Cạnh đó, nâng cao tỉ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng từ 5-10%, mở thêm 10 tuyến xe buýt mới để hạn chế phương tiện cá nhân.
“Chúng tôi cũng sẽ tổ chức giao thông theo hướng giao thông thông minh, thành lập trung tâm quản lý giao thông đô thị, bố trí 100 tỷ để tổ chức giao thông lại tại các tuyến đường, nút giao theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tiết giao thông”, lãnh đạo Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết.