Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh gồng mình chống nắng

Gần một tháng qua, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nắng nóng gay gắt kéo dài, sông, suối cạn kiệt. Chính quyền các địa phương đang tìm các giải pháp, vận động người dân chắt chiu, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm , phục vụ đời sống, sản xuất.

Khơi thông dòng chảy, bơm nước chống hạn ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Khơi thông dòng chảy, bơm nước chống hạn ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

San sẻ nguồn nước

Hơn một tháng nay, hầu hết giếng nước của người dân hai thôn Lạc Thắng và Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã cạn khô. Gần 400 hộ dân phải vất vả tìm nguồn nước bảo đảm sinh hoạt của gia đình. Bà Võ Thị Thư ở thôn Lạc Thắng cho biết, nước giếng của gia đình giờ chỉ có thể chắt những gàu vàng đục, chỉ để cho gia súc, gia cầm uống. Nước sinh hoạt được lấy từ khe suối thông qua đường ống chảy nhỏ giọt, riêng nước ăn phải đi xin từ giếng còn nước của một số ít gia đình. Theo Trưởng thôn Lạc Thắng Lê Trung Thành, trước tình trạng này, các hộ dân đã nhiều lần thuê người về khoan giếng, tìm vị trí khắp cả vườn, nhưng khoan sâu gần 50 m vẫn không có nước ngầm. Thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ gia đình phải tìm đến đầu nguồn Khe Gạo để lấy nước sinh hoạt. Thấu hiểu khó khăn của bà con lối xóm, gia đình bà Nguyễn Thị Văn ở thôn Lạc Thắng đã mua máy bơm, hệ thống ống dẫn, tự bơm nước từ giếng của mình phục vụ miễn phí người dân trong thôn. Bà Văn cho biết: "Trong khi hầu hết giếng nước của các nhà khác bị cạn trơ đáy thì từ năm 2003 đến nay, giếng nhà tôi chưa bao giờ cạn. Vào những ngày này, mỗi ngày, gia đình tôi san sẻ nước giếng cho sáu, bảy chục hộ dân. Ðể không diễn ra tình trạng chờ đợi, chen lấn, gia đình chủ động bố trí các thành viên giúp đỡ bà con lấy nước. Vì vậy, mặc dù số lượng người đến lấy nước rất đông nhưng luôn bảo đảm trật tự".

Không riêng gì gia đình bà Văn, những ngày này, tại các vùng khô hạn ở Hà Tĩnh, ở đâu gặp khó khăn về nước thì ở đó có những nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng nhường nước, cùng nhau vượt qua cơn khát. Theo Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) Nguyễn Ngọc Thọ, đến nay, hơn 1.000 giếng khơi trong xã đã cạn đáy, chỉ còn khoảng 40 giếng khoan còn nước. Dù người dân đã thuê rất nhiều tốp thợ về khoan, đào thêm giếng, nhưng rất khó tìm được mạch nước mới. Với tinh thần tương thân tương ái, những gia đình có giếng còn nước đã hào phóng sẻ chia cho các hộ thiếu nước.

Bên cạnh sự sẻ chia, đùm bọc trong nhân dân, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con tìm nguồn nước mới. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Con Cuông (Nghệ An) Lô Văn Lý, trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, UBND huyện đã điều động máy móc, phương tiện và trích ngân sách gần 300 triệu đồng hỗ trợ các xã: Ðôn Phục, Mậu Ðức, Thạch Ngàn, Yên Khê... đào giếng dọc các khe suối, tìm nguồn nước mới phục vụ người dân. Tại huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh), chỉ sau một thời gian ngắn phát động, chính quyền và người dân xã Ðức Thanh đã cải tạo, khơi thông 30 giếng làng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân khi các bể chứa nước mưa đã cạn.

Nỗ lực chống hạn

Ðợt nắng nóng kéo dài gần một tháng qua đã khiến hơn 17.000 ha lúa hè thu trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thiếu nước tưới, trong đó gần 3.000 ha lúa bị hạn nặng, có nguy cơ mất trắng. Bên cạnh đó là hàng nghìn héc-ta cây ăn quả, chè ở Tân Kỳ, Con Cuông (Nghệ An), Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) thiếu nước, chết cháy. Theo dự tính, nếu trong vòng nửa tháng nữa không có mưa, hơn 3.000 ha lúa sẽ mất trắng; năng suất, sản lượng của hàng nghìn héc-ta lúa, cây ăn quả của hai tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Chi cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Ðức Hợi, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 43.701 trong số 44.181 ha lúa, đạt 98,91% kế hoạch. Những năm gần đây, hệ thống thủy nông trên địa bàn đã được quan tâm, đầu tư đồng bộ, các công trình lớn như hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi, Cẩm Trang; hồ Kẻ Gỗ; hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt Ðò Ðiệm; hồ Sông Rác... đã được đầu tư, nâng cấp có dung tích chứa lớn. Vì vậy, so với mọi năm, năm nay diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước ít hơn, diện tích bị hạn chủ yếu nằm ở vùng cao, vùng cuối kênh. Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù nguy cơ hạn hán đối với lúa hè thu không lớn, nhưng hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 5.500 ha cây ăn quả từ hai đến 5 tháng tuổi đang đối mặt nguy cơ giảm năng suất, tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang...

Những ngày qua, gia đình anh Phạm Quang Hùng, thôn 2, xã Hương Thủy (Hương Khê) gấp rút chuẩn bị thêm rơm rạ tấp gốc và bón thêm phân vi sinh chống hạn để điều hòa sinh trưởng cho vườn cam hơn 7.000 gốc của gia đình. Theo anh Hùng, ngoài phun tưới thường xuyên thì việc bảo đảm độ ẩm ở gốc, bổ sung thêm chất dinh dưỡng là những giải pháp hiệu quả để hạn chế cây khô héo, rụng quả trong mùa nắng nóng. Hiện nay gia đình anh đang sử dụng phương pháp ủ đậu tương thành phân bón dưới dạng nước. Sau đó thông qua hệ thống tưới tự động, dưỡng chất từ đậu tương sẽ được cung cấp đến từng gốc cây để cung cấp dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và hạn chế hiện tượng rụng lá cho cam.

Theo Phòng NN và PTNT huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hơn 70% diện tích lúa hè thu của huyện phụ thuộc nguồn nước lấy từ cống Ba Ra (Nam Ðàn), tương đương khoảng 3.500 ha; gần 1.000 ha của các xã dọc sông Lam lấy nước trực tiếp từ sông Lam. Gần một tháng nay, do mực nước xuống thấp, nhiều trạm bơm ven sông Lam không thể hoạt động dẫn đến diện tích lúa bị hạn ngày càng tăng. Tính đến nay, toàn huyện có 2.000 ha trong số 4.500 ha lúa thiếu nước tưới, trong đó hơn 1.000 ha bị hạn nặng, hơn 600 ha đã khô cháy. Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp các công ty thủy lợi đắp đập chắn ngang sông Cầu Gãy, tận dụng triều cường để bơm nước từ sông Rum vào sông Hạnh Phúc, sử dụng trạm bơm Hưng Lĩnh bơm xuống kênh Lam Trà, huy động hơn 3.000 người vớt bèo, nạo vét hơn 7 km trên sông Hoàng Cần, huy động máy bơm dầu tận dụng nước từ các ao hồ bơm cho những diện tích bị hạn ở Hưng Tây, Yên Nam,
Yên Bắc…

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng và nguy cơ mặn xâm nhập sâu ở vùng cửa sông, ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả nước chống hạn, yêu cầu các địa phương chỉ đạo ưu tiên nguồn nước bơm cho những diện tích lúa đã bị khô, đất nứt nẻ và thực hiện phương châm tưới ẩm để duy trì chờ mưa. Tập trung chủ động nạo vét kênh mương, kết hợp đắp bờ giữ nước, nạo vét kênh đầu nguồn và đấu nối, kéo dài ống hút từ các trạm bơm để tận dụng hết mức nguồn nước ngọt đang có phục vụ chống hạn. Về lâu dài, tỉnh rà soát những diện tích lúa bị hạn, không có nước gieo cấy chuyển đổi sang trồng ngô, vừng, đậu đỗ... Trước mắt, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi gần 70 ha lúa hè thu sang trồng rau và cỏ chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thành Châu và Ngô Tuấn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40703702-nguoi-dan-nghe-an-ha-tinh-gong-minh-chong-nang.html