Người dân 'ngóng sổ đỏ' từ đất nông, lâm trường bàn giao

Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có hơn 500ha đất nông, lâm trường được UBND tỉnh bàn giao cho địa phương quản lý. Để có cơ sở giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân liên quan, địa phương cần xây dựng phương án sử dựng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xã Minh Đức có 207,53ha đất nông, lâm trường trả ra, đang được triển khai lập phương án sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xã Minh Đức có 207,53ha đất nông, lâm trường trả ra, đang được triển khai lập phương án sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên địa bàn TP. Phổ Yên có đất nông, lâm trường của 3 đơn vị gồm: Công ty Chè Bắc Sơn, Công ty CP Chè Quân Chu và Công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Trước đây, các nông, lâm trường sử dụng đất giao khoán cho các hộ dân, cá nhân để sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng. Những năm gần đây, do hiệu quả sử dụng đất không cao, các nông, lâm trường đã chủ động xác định diện tích, vị trí để trả ra và đề nghị UBND tỉnh giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Năm 2018, tổng diện tích đất các nông, lâm trường trả ra và giao về TP. Phổ Yên quản lý là 512,26ha, trong đó phường Bắc Sơn 57,06ha, xã Phúc Thuận 247,67ha, xã Minh Đức 207,53ha. Trong đó, đất ở có diện tích khoảng 12,69ha, với khoảng 470 hộ dân đã làm nhà trên đất (do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất). Phần diện tích còn lại 499,57ha là các loại đất trồng lúa, trồng màu, đất ao, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, đất giao thông, đất thủy lợi…

Căn cứ quyết định thu hồi diện tích đất nông, lâm trường của UBND tỉnh, UBND TP. Phổ Yên đã ban hành văn bản hướng dẫn các xã, phường triển khai lập phương án sử dụng đất. Hiện nay, các địa phương đang thống kê, rà soát các thửa đất để xác định nhu cầu, mục đích sử dụng đất của hộ dân; xác định cụ thể các hợp đồng thuê khoán và niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường và nhà văn hóa xóm, tổ dân phố.

Trên cơ sở này, TP. Phổ Yên sẽ xây dựng phương án sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, lấy đó làm căn cứ giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tiến độ triển khai các nội dung này vẫn còn chậm, việc chưa được cấp GCNQSĐ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con.

Tại xóm 6, xã Phúc Thuận, trong tổng số hơn 100 hộ dân thì có trên 80% số hộ có đất giao khoán. Đất sử dụng đã nhiều năm, song người dân vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ, dẫn đến hạn chế một số quyền lợi như không thể chia, tách đất, khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích mục đích sử dụng đất, không đủ điều kiện thế chấp tài sản để vay vốn phát triển kinh tế...

Ông Hoàng Văn Lập, người dân xóm 6, chia sẻ: Năm 2000, gia đình tôi mua lại khoảng 11.000m2 đất giao khoán của một hộ khác để sử dụng đến nay. Do không đủ điều kiện để thực hiện việc chia tách đất nên cả gia đình 11 khẩu hiện chung sống trong căn nhà rộng chừng 100m2, rất bất tiện. Gia đình tôi mong muốn sớm được cấp GCNQSDĐ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Việc lập phương án sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn còn chậm là do thời gian cho thuê khoán đã lâu nên có sự biến động lớn về đất đai, trong khi các hồ sơ lưu trữ không đầy đủ. Trong quá trình sử dụng, các hộ được giao khoán đã tự ý mua bán, chuyển nhượng qua rất nhiều người, khiến việc xác định chủ đất gặp khó.

Trước đây, các đơn vị giao khoán cho phép hộ dân được làm lán tạm để trông coi tài sản trên đất, song một số hộ đã tự ý làm nhà ở, xây dựng các công trình kiên cố tại những khu vực này. Vì vậy, cơ chuyên chuyên môn mất nhiều thời gian để rà soát, xác minh, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, khối lượng công việc lớn, nhân lực hạn chế, cần nhiều thời gian hoàn thành, dẫn đến việc lập phương án sử dụng đất chậm, chưa thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) niêm yết công khai bản đồ hiện trạng sử dụng đất và thông tin chủ sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông, lâm trường tại nhà văn hóa các xóm.

UBND xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) niêm yết công khai bản đồ hiện trạng sử dụng đất và thông tin chủ sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông, lâm trường tại nhà văn hóa các xóm.

Đơn cử tại xã Minh Đức, mặc dù tiến độ lập phương án sử dụng đất của địa phương đến nay đã đạt 95%, song toàn xã còn khoảng 30 thửa đất chưa được quy chủ. Bởi lẽ, phần diện tích này lầy thụt, người dân bỏ hoang nhiều năm không canh tác, cỏ dại mọc um tùm nên khó khăn trong việc xác định ranh giới, bóc tách các thửa đất. Mặt khác, một số hộ dân có đất nhưng không sinh sống tại địa phương nên việc quy chủ còn gặp khó.

Đối với các thửa đất này, địa phương đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn, các hộ dân liên quan phấn đấu hoàn thành việc xác định ranh giới, quy chủ trong tháng 6 này.

Để quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông, lâm trường trả ra trên địa bàn TP. Phổ Yên, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện công tác bàn giao, nhất là việc xác định mốc giới ngoài thực địa để thiết lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho người dân. Trong đó ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Việc giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cần được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202406/nguoi-danngong-so-do-tu-dat-nong-lam-truong-ban-giao-88e1333/