Người dân ở Dải Gaza chật vật với giá cả tăng mạnh

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và Hamas xuất hiện, các khu chợ ở Dải Gaza tràn ngập người bán người mua sắm thực phẩm và quần áo mùa đông. Tuy nhiên, giá hàng hóa leo thang lại trở thành nỗi ám ảnh đối với họ.

Theo đó, giá thành của những nhu yếu phẩm đã tăng vọt, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm cơ bản, gây ảnh hưởng không nhỏ cho người tiêu dùng, thậm chí nhiều người còn trách móc các chủ quầy hàng bán giá quá cao.

 Những người hy vọng mua được những nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo ấm trong thời gian tạm dừng ném bom ở Israel thất vọng vì giá cả tăng vọt. Ảnh: Abdelhakim Abu Riash/Al Jazeera.

Những người hy vọng mua được những nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo ấm trong thời gian tạm dừng ném bom ở Israel thất vọng vì giá cả tăng vọt. Ảnh: Abdelhakim Abu Riash/Al Jazeera.

Lạm phát leo thang, người dân chật vật mua sắm

Bà Imm Abdullah, người dân sống tại Gaza đến chợ của thị trấn để mua thực phẩm và một số quần áo ấm vì thời tiết đã trở lạnh. Nhưng sau khi ghé thăm nhiều quầy hàng khác nhau để tìm kiếm những sản phẩm thực phẩm cơ bản, sự bất lực của bà lại dâng trào.

“Nhiều chủ cửa hàng liên tục than vãn rằng giá các mặt hàng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ", bà chia sẻ.

Bà liệt kê danh sách các sản phẩm hiện có giá không thể chấp nhận được: Nước đóng chai, trước đây có giá 2 shekel (0,5 USD), giờ là 4 - 5 shekel (0,80 USD - 1 USD). Một hộp trứng có giá 45 shekel (12 USD). Một kg muối trước đây có giá 1 shekel, hiện đã tăng lên 12 shekel (3,20 USD), trong khi đường là 25 shekel (6,70 USD).

Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine, tỷ lệ nghèo ở Dải Gaza đã lên tới 53%, với một phần ba (33,7%) cư dân sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ.

Khoảng 64% hộ gia đình ở Gaza không có đủ lương thực và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 47% - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Theo Elhasan Bakr, nhà phân tích kinh tế có trụ sở tại Gaza, sự biến dạng về giá đã dẫn đến lạm phát từ 300 đến 2.000% đối với nhiều sản phẩm khác nhau.

Nhìn chung, giá thực phẩm tăng rõ rệt hơn là quần áo, nhưng nhu cầu về quần áo cũng cao do những người di dời cố gắng mua quần áo ấm khi mùa đông sắp đến.

 Mùa đông cận kề, nhu cầu mua sắm quần áo của người dân sinh sống tại Gaza tăng cao. Tuy nhiên, giá cả đắt đỏ khiến họ cảm thấy ngần ngại. Ảnh: Abdelhakim Abu Riash/Al Jazeera.

Mùa đông cận kề, nhu cầu mua sắm quần áo của người dân sinh sống tại Gaza tăng cao. Tuy nhiên, giá cả đắt đỏ khiến họ cảm thấy ngần ngại. Ảnh: Abdelhakim Abu Riash/Al Jazeera.

Lý do chính khiến giá tăng là do việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới, dẫn đến việc các thương nhân bán buôn sản phẩm cho các chủ cửa hàng với giá cao hơn.

Theo chia sẻ của Abu Amra, tiểu thương sinh sống tại Gaza, cho biết: “Trước đây, đậu lăng có giá 2 shekel (0,5 USD) mỗi kg và chúng tôi sẽ bán nó với giá 3 shekel (0,8 USD). Bây giờ chúng tôi mua nó với giá 8 shekel (2 USD) và bán nó với giá 10 shekel (2,60 USD)”.

Ông cho biết thêm, một túi đậu fava trước đây có giá 70 shekel (18 USD) và hiện có giá 150 shekel (40 USD), trong khi trước đây một bao bột ngô có giá 90 shekel (19 USD) nhưng hiện tại là 120 shekel (32 USD). Hàng xóm của Abu Amra, cũng là một chủ cửa hàng, đã mất nhà và nhà kho trong một cuộc tấn công của Israel, dẫn đến mất đi số sản phẩm trị giá 8.000 USD.

Mất hàng tỷ đồng vì giao tranh

Ngay cả trước ngày 7/10, lệnh phong tỏa kéo dài 17 năm của Israel đối với vùng đất ven biển đã khiến nền kinh tế Palestine thiệt hại 35 tỷ USD.

“Thiệt hại trực tiếp cho khu vực tư nhân đã vượt quá 3 tỷ USD, trong khi thiệt hại gián tiếp là hơn 1,5 tỷ USD”, ông nhận định, đồng thời nói thêm, ngành nông nghiệp đã thiệt hại trực tiếp 300 triệu USD.

Ông giải thích: “Điều này bao gồm việc nhổ bỏ và san phẳng những cây ăn trái trên vùng đất nông nghiệp ở phía Bắc và phía Đông gần hàng rào Israel, có nghĩa là phải mất vài năm nữa người nông dân mới có thể gặt hái những gì họ đã gieo trồng”.

 Người dân Palestine cố gắng giải cứu những người bị nạn tại Dải Gaza. Ảnh: Internet.

Người dân Palestine cố gắng giải cứu những người bị nạn tại Dải Gaza. Ảnh: Internet.

“Kinh tế ở Gaza gần như đã tê liệt hoàn toàn. Ước tính có tới 65.000 cơ sở kinh tế - từ nông nghiệp đến công nghiệp dịch vụ - trong khu vực tư nhân đã bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động vì chiến tranh. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất việc làm, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu an ninh lương thực hoàn toàn.”

Hơn nữa, số lượng viện trợ nhỏ được Israel cho phép vào Gaza không đủ để đáp ứng nhu cầu của gần một triệu người phải di dời ở lại các trường học của Liên hợp quốc dù chỉ một ngày.

“Từ ngày 22/10 đến ngày 12/11, có khoảng 1.100 xe tải vào Dải Gaza. Tuy nhiên, chỉ có hơn 400 chiếc chở thực phẩm. Chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thực phẩm người dân”.

Ông nói thêm, Dải Gaza sẽ cần 1.000 đến 1.500 xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của dân số 2,3 triệu người.

Điệp Nguyễn (Theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-o-dai-gaza-chat-vat-voi-gia-ca-tang-manh-post275259.html