Người dân ở một số thôn thuộc hai xã Gio Hải và Gio Châu mong chờ nước sạch

Từ nhiều năm nay, người dân ở một số thôn, xóm thuộc hai xã Gio Hải và Gio Châu, huyện Gio Linh phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bằng nhiều cách khác nhau, người dân cố gắng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, nhưng những năm gần đây, tỉ lệ người mắc các loại bệnh liên quan đến chất lượng nước không đảm bảo an toàn vẫn ngày càng tăng.

 Bể lọc do gia đình bà Trần Thị An tự xây luôn có màu đỏ, kèm theo lớp phèn dính chặt do nguồn nước nhiễm phèn nặng - Ảnh: T.T

Bể lọc do gia đình bà Trần Thị An tự xây luôn có màu đỏ, kèm theo lớp phèn dính chặt do nguồn nước nhiễm phèn nặng - Ảnh: T.T

Khoan sâu nhiễm mặn, khoan nông nhiễm phèn

Một ngày đầu tháng 9/2021, cũng như nhiều lần khác, bà Trần Thị An (sinh năm 1970) ở Thôn 5, xã Gio Hải lại cẩn thận lau chùi, vệ sinh sạch sẽ bể lọc nước nhỏ được xây bằng bê tông. Sau một hồi kỳ cọ kỹ càng các ngóc ngách trong bể, bà An nhanh chóng thay lớp cát có màu đỏ quạch bằng lớp cát mới trắng tinh.

Chỉ tay vào bể lọc, bà An nói: “Chỉ khoảng sau 1 tháng là lớp cát trắng tinh, bao tải sạch, đá cuội và nhiều thứ khác trong bể đều chuyển thành màu đỏ, kèm theo lớp phèn sền sệt dính chặt. Chúng tôi chỉ mong muốn có nước sạch để dùng”. Gia đình bà An đã thuê người về khoan 2 cái giếng có độ sâu khác nhau và khoảng cách xa nhau nhưng nước bơm lên vẫn bị nhiễm phèn nặng, chỉ cần để khoảng vài phút là lắng cặn đục ngầu. Vì không yên tâm khi dùng nguồn nước bẩn nên ngoài việc xây bể lọc, bà An mua thêm máy lọc nước để lấy nước ăn uống, còn tắm giặt thì vẫn dùng nước từ bể lọc.

Cách đó không xa là ngôi nhà nhỏ của Trưởng Thôn 5 Trần Xuân Tùng. Bên trong chái bếp, ông Tùng đang tháo bộ lọc của máy lọc nước để vệ sinh. Để làm sạch ống lọc, ông Tùng phải dùng bàn chải kỳ cọ thật mạnh. Tuy vậy, ống lọc không thể trắng trở lại mà vẫn có màu đỏ đục của phèn. “Nhà tôi cứ 3 ngày là phải tháo các ống lọc trong máy lọc nước ra vệ sinh một lần. Mỗi tháng phải tốn 300 ngàn đồng để thay các ống lọc”, ông Tùng cho hay.

Thôn 5 hiện có 175 hộ, khoảng 800 nhân khẩu. Người dân trong thôn từ xưa đến nay dùng nguồn nước lấy trực tiếp từ lòng đất để phục vụ sinh hoạt. Trước họ dùng giếng đào, từ năm 2000, được dự án Plan hỗ trợ, người dân Thôn 5 và nhiều địa phương vùng biển khác của huyện Gio Linh có giếng khoan để dùng. Tuy nhiên, niềm vui của người dân Gio Hải không kéo dài được lâu. Mặc dù có giếng khoan nhưng nguồn nước này vẫn bị ô nhiễm.

“Trong thôn hiện nay không còn dùng giếng đào nữa mà dùng máy bơm để hút nước sâu dưới lòng đất. Nhà nào khoan sâu từ 14 - 16 mét thì nước bị nhiễm mặn, khoan nông hơn từ 6 -10 mét thì bị nhiễm phèn. Riêng nhà tôi khoan ở tầng giữa, sâu khoảng 11,5 mét thì nước có vị xam xáp và phèn”, ông Tùng kể.

Vì nguồn nước bị ô nhiễm nên người dân nơi đây dùng biện pháp thủ công đó là xây bể lọc nước. Hầu hết các gia đình đều xây một bể bê tông nhỏ rồi dùng cát trắng, than củi, đá cuội, vải để lọc nước. Mặc dù đã được lọc qua bể tự chế nhưng nước này dùng để giặt áo trắng thì sẽ ngả sang màu vàng chỉ sau vài lần giặt. Để có nước ăn uống, người dân Thôn 5 phải mua thêm máy lọc nước hoặc mua nước bình đóng sẵn.

Đối với những gia đình có nguồn nước bị nhiễm mặn thì không thể lọc nước bằng bể bê tông hay máy lọc nước vì vô dụng. Nước nhiễm mặn đến mức dùng để tưới cây thì cây chết, các thiết bị điện trong nhà cũng bị gỉ rét. Phương án tối ưu mà người dân lựa chọn để bảo vệ sức khỏe là mua nước bình đóng sẵn để phục vụ ăn uống, còn tắm giặt thì đi xin nước của các nhà khác trong thôn.

“Vì sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn nên thời gian qua, trong thôn có nhiều người mắc bệnh ung thư. Năm 2019, có 1 người bị ung thư gan rồi mất. Năm 2020, có 2 người mất vì ung thư; trong đó có 1 người mới 20 tuổi. Năm nay, có 1 người mất vì ung thư tuyến giáp... Ngoài ra, người dân trong thôn mắc các bệnh về da liễu cũng rất nhiều”, ông Tùng thống kê.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải Hồ Xuân Thùy cho biết, toàn xã có 6 thôn; trong đó Thôn 4, Nhĩ Hạ, Nhĩ Trung đã có nước máy để dùng. Còn lại Thôn 5, Thôn 6, Tân Hải và xóm Mới của thôn Nhĩ Hạ vẫn chưa có nước sạch. Thông qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân và lãnh đạo xã đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp trên xem xét, hỗ trợ cấp nước sạch cho Nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Mong muốn được giảm chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước sạch

Xóm Bàu, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu là nơi giáp ranh với Khu Công nghiệp (KCN) Quán Ngang. Toàn thôn hiện có 230 hộ với khoảng 1.800 nhân khẩu. Theo Trưởng thôn Hà Thanh Hồ Văn Dũng, nguồn nước trong thôn bắt đầu bị ô nhiễm nặng từ khi có KCN Quán Ngang. Tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân trong thôn, nặng nhất là ở xóm Bàu.

“Từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng có cá, cua, ốc... chết nổi trên mặt nước tại các ao hồ tự nhiên, ruộng lúa, kênh mương. Người dân trong thôn trồng lúa thì lúa lên tốt nhưng lại không có hạt. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, trong thôn có 12 người bị ung thư và hầu hết những người này đều đã mất”, ông Dũng kể.

Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Hà Thanh, xã Gio Châu do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Trị (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư. Đầu năm 2021, công trình hoàn thành và bàn giao cho địa phương sử dụng.

Trưởng thôn Hà Thanh Hồ Văn Dũng cho hay, ban đầu khảo sát có 81 hộ thuộc xóm Bàu được cấp nước sạch nhưng vì có một vài hộ ở xa, nằm phía bên kia đường sắt, một số hộ khác thuộc diện khó khăn không có kinh phí để đóng góp tiền lắp đặt hệ thống dẫn nước sạch. Do vậy, thôn Hà Thanh chỉ có 51 hộ ở xóm Bàu được cấp nước sạch.

“Để được cấp nước sạch, mỗi hộ phải đóng 1.883.000 đồng. Với người nông dân nghèo khó thì đây là một số tiền lớn. Trong thôn vẫn còn nhiều gia đình khó khăn nên không thể đóng để có nước sạch. Vì vậy, nhiều gia đình kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giảm chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước để được sử dụng nguồn nước sạch”, ông Dũng nói.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hoàng Đức Duy cho biết, dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Hà Thanh, xã Gio Châu được xây dựng từ 2 nguồn vốn; trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách của tỉnh dùng để đầu tư tuyến ống chính cấp nước đến ranh giới thổ cư và phần đấu nối từ ranh giới thổ cư vào hộ gia đình (5 mét). Nguồn vốn đóng góp của người dân chi phí cho phần còn lại, bao gồm ống nối tiếp với 5 mét nói trên vào từng nhà, đồng hồ, các phụ kiện khác kèm theo.

“Sau khi hoàn thành thi công, trung tâm đã bàn giao công trình lại cho Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị để tiến hành cấp nước cho người dân. Theo quy định của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị thì kinh phí thực hiện các công việc nói trên khoảng 1.883.000 đồng/hộ. Để tạo điều kiện cho người dân, phía công ty đã cho mỗi hộ mượn không tính lãi 1.200.000 đồng và sẽ trả dần cho công ty theo hóa đơn tiền nước trong vòng 12 tháng (mỗi tháng 100.000 đồng). Như vậy, kinh phí ban đầu người dân đóng góp là 683.000 đồng/hộ”, ông Duy thông tin.

Qua trao đổi với phóng viên, người dân thôn Hà Thanh rất mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, giảm chi phí lắp đặt hệ thống dẫn nước vào nhà để họ có thể sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo cho sức khỏe gia đình.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=160753&title=nguoi-dan-o-mot-so-thon-thuoc-hai-xa-gio-hai-va-gio-chau-mong-cho-nuoc-sach