Người đàn ông 81 tuổi suýt mất mạng vì một vết xước nhỏ

Ông S. có vết xước nhỏ ở chân. Một ngày sau, chân ông đau nhức, hoại tử nên được một phòng khám địa phương chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).

BS Nguyễn Duy Thái, Khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, bệnh nhân L.H.S (81 tuổi, Cà Mau) bị hoại tử chân từ vết xước nhỏ. Ông S nhập viện trong tình trạng chân bị phồng rộp bóng nước và hoại tử sâu cẳng chân trái.

Người nhà bệnh nhân cho biết gia đình nuôi tôm, cua nên chân ông S bị trầy xước từ vỏ tôm hay bị cua kẹp.

Bệnh nhân L.H.S (81 tuổi, Cà Mau) bị hoại tử chân từ vết xước nhỏ. Ông S nhập viện trong tình trạng chân bị phồng rộp bóng nước và hoại tử sâu cẳng chân trái.

Các bác sĩ đã mổ khẩn, cắt lọc toàn bộ phần hoại tử, vết thương để hở, sử dụng kháng sinh phổ rộng để phòng ngừa nhiễm trùng.

Một tuần sau, bệnh nhân lại tiếp tục được áp dụng kỹ thuật áp lực âm, dẫn lưu dịch vết thương, kết hợp cắt lọc, ghép một phần da. Sau phẫu thuật, phần da ghép đã hồng hào.

Bệnh viện cũng tiến hành cấy tìm vi khuẩn, vi sinh vật gây ra tình trạng hoại tử chân, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả chính xác.

Theo BS Thái, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nghi ngờ viêm cân mạc hoại tử. Đây là một bệnh lý ít gặp, gây hoại tử lan rộng, diễn tiến rất nhanh và rầm rộ.

Bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu suy thận cấp, bạch cầu tăng cao, rối loạn điện giải, có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết nếu đến bệnh viện chậm.

Ông S có thể bị nhiễm vi khuẩn hiếm gặp khiến chân bị hoại tử, suy thận cấp, bạch cầu tăng cao, rối loạn điện giải.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nam (25 tuổi, ngụ Tây Ninh) đến khám vì dọc cánh tay trái xuất hiện nhiều nốt, cục màu đỏ tím, không đau. Bệnh nhân từng bị gai tôm đâm vào tay.

Đây là một trường hợp viêm mạch bạch huyết dạng nốt do vi khuẩn lao gây ra. Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân dương tính với vi khuẩn lao M. gordonae (Mycobacteria gordonae), đây là một chủng vi khuẩn lao không điển hình.

Theo ThS.BS Châu Ngọc Tố Trinh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM, những vi sinh vật gây bệnh này thường xâm nhập vào da thông qua một vết trầy xước hoặc vết thương nhỏ ở bàn tay hoặc bàn chân (thường là do gai đâm).

Tại vị trí vết thương ban đầu sẽ xuất hiện một nốt nhỏ, diễn tiến to dần lên, vỡ ra, loét, chảy mủ và rất lâu lành. Vài tuần sau, bệnh sẽ tiến triển, lan theo đường bạch huyết, gây xuất hiện thêm nhiều nốt/cục tương tự dọc đường đi của mạch bạch huyết.

Mời độc giả xem thêm video Bé trai 7 tuổi hoại tử chân do tự điều trị vết bỏng (Nguồn: THĐT).

An Quý

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/nguoi-dan-ong-81-tuoi-suyt-mat-mang-vi-mot-vet-xuoc-nho-1693975.html