Người đàn ông Ấn Độ mắc bệnh lạ, ngủ 300 ngày mỗi năm
23 năm qua, Purkharam bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Mỗi tháng, anh chỉ có thể tỉnh táo để trông coi tiệm tạp hóa gia đình trong khoảng 5 ngày trước khi rơi vào giấc ngủ sâu.
Purkharam (42 tuổi), một cư dân ở làng Bhadwa, thị trấn Parbatsar (Ấn Độ), được chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp có tên Axis Hypers, khiến anh ngủ liên tục 20-25 ngày mỗi khi chợp mắt, theo India Times.
Axis Hypers là chứng rối loạn thần kinh, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, hoặc giấc ngủ kéo dài hơn 9-10 tiếng một ngày.
Anh được dân làng mệnh danh "Kumbhkarna" - nhân vật thần thoại Ramayan, nổi tiếng bằng việc ngủ yên suốt 6 tháng.
"Ban đầu, anh ấy thường mất ngủ liên tục 5-7 ngày. Chúng tôi đưa anh ấy tới bệnh viện, song các y bác sĩ đều nói bệnh này không thể chữa khỏi. Dần dần, tình trạng của anh ấy trầm trọng hơn, có thể ngủ liền 20-25 ngày", gia đình Purkharam trả lời tờ ANI.
Do hội chứng Axis Hypers, người đàn ông 42 tuổi này chỉ có thể trông coi tiệm tạp hóa ở nhà 5 ngày mỗi tháng, thậm chí dễ ngủ gật khi đang làm việc. Một khi Purkharam chợp mắt, rất khó để đánh thức anh dậy.
Vì thế, những việc sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, ăn uống của Purkharam đều do người nhà hỗ trợ.
Chia sẻ với ANI, Purkharam nói anh tính toán số ngày chìm trong giấc mơ bằng cách đếm số tờ báo nằm bên ngoài cửa hàng. Dù uống thuốc đều đặn và ngủ quá nhiều, anh luôn thấy mệt mỏi, không có năng lượng làm việc.
Ngoài việc ngủ li bì suốt gần một tháng, Purkharam còn chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội từ căn bệnh lạ mình mang. Dù chưa tìm ra phương pháp chữa trị, người thân của anh vẫn hy vọng Purkharam sớm bình phục, sống cuộc sống bình thường như trước.
Tiến sĩ Birma Ram Jangid trả lời ANI chứng rối loạn giấc ngủ mà Purkharam gặp phải là dạng hội chứng rối loạn tâm lý hiếm gặp.
"Nếu bệnh nhân từng bị chấn thương vùng đầu, hoặc có khối u mạn tính trong quá khứ, tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra. Hội chứng này chỉ được xem như chứng rối loạn tâm lý trong sách báo và khoa học y tế. Tôi nghĩ có thể điều trị tình trạng này nhờ chẩn đoán sớm", Tiến sĩ Jangid nói.