Người đàn ông bất ngờ đổ gục khi đang chờ khám bệnh
Đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bất ngờ ôm tim và ngã gục khi ngồi ở hành lang bệnh viện. Y bác sĩ xung quanh lập tức ép tim, chuyển ông đến Khoa Cấp cứu.
Theo bác sĩ Lê Duy Lạc, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), bệnh nhân là ông N.D.T (74 tuổi, tỉnh Bình Dương).
Theo đó, sự việc xảy ra khi ông T. đi khám bệnh một mình tại Bệnh viện TP Thủ Đức vào ngày 27/7. Trong lúc ngồi chờ khám, ông bất ngờ ôm ngực và gục ngã trên ghế. Người xung quanh phát hiện nên đã tri hô, kêu cứu.
Ngay lập tức, các y bác sĩ gần hiện trường nhận diện đây là tình huống ngưng tim, ngưng thở và tiến hành cấp cứu tại chỗ. Khi bệnh nhân được đưa lên băng ca, một nhân viên y tế tiếp tục xoa bóp tim.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được sốc điện phá rung tim 3 lần và hồi sức tim phổi để tim đập lại. Tuy nhiên, huyết áp bệnh nhân rất thấp, phải dùng 2 thuốc vận mạch để duy trì. Kết quả đo điện tâm đồ xác định nguyên nhân ngưng tim là do nhồi máu cơ tim cấp độ 4 (rất nguy kịch).
Dựa trên thông tin sổ khám bệnh, nhân viên y tế tìm được số điện thoại người nhà. Ngay sau khi bác sĩ giải thích và thống nhất với gia đình qua điện thoại, ông T. được chuyển lên phòng thông tim.
Theo bác sĩ Lạc, người bệnh bị tổn thương nặng 3 nhánh mạch vành. Trong đó, nhánh bên phải tắc mạn tính 100%, 2 nhánh bên trái hẹp 90% và 99%. Trái tim gần như đang sống nhờ dòng máu duy nhất từ mạch vành bên trái, nay đã bị hẹp nặng.
Ê-kíp tiến hành can thiệp đặt 1 stent cho bệnh nhân. Toàn bộ quá trình nong tim kết thúc trong 30 phút để khôi phục dòng máu nuôi tim. Sau đó, bệnh nhân được thở máy hồi sức, huyết áp dần phục hồi và ngưng vận mạch sau 12 giờ. Đến nay, người bệnh đã xuất viện và gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ đã kịp thời cứu sống mình.
Bác sĩ Lạc cho hay điều quan trọng nhất cứu người đàn ông là y bác sĩ đã nhận diện tình hình người bệnh, thực hiện cấp cứu hồi sức tim phổi hiệu quả ngay từ hiện trường. Nếu ngưng tim xảy ra tại nhà, người bệnh khó có cơ hội được cứu hoặc nguy cơ di chứng rất cao.
"Từ lúc nhận diện bệnh nhân ngưng tim đến khi rời Khoa Cấp cứu để can thiệp chỉ kéo dài 5 phút, nhưng là 5 phút thay đổi cuộc đời", bác sĩ Lạc chia sẻ.
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu cần tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Có nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy động mạch vành như truyền thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent (PCI) và mổ bắc cầu động mạch vành (CABG).
Hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng. Can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành càng sớm càng tốt, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ lúc khởi phát triệu chứng.