Những ngày này, xưởng chế tác thủy tinh của ông Đặng Văn Thạo (46 tuổi, ở xã Thống Nhất) vẫn luôn sáng rực ánh lửa của đèn khò với nhiệt độ lên tới 1000 độ C luôn kề kề trước mặt để làm ra những sản phẩm truyền thống bằng thủy tinh trinh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Văn Thạo cho biết: "Tôi được cha truyền lại nghề làm thủy tinh từ năm 14 tuổi nên tính đến giờ cũng được 32 năm thâm niên trong nghề. Thế hệ trước truyền lại nên thế hệ chúng tôi vẫn phải tiếp nối, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống gia đình cũng như làng nghề quê hương. Để làm được nghề này đòi hỏi sự đam mê, cần mẫn, kiên trì vì suốt ngày làm việc bên ngọn lửa đèn khò nhiệt độ cao, rất vất vả”.
Nói về quy trình tạo ra 1 sản phẩm, ông Thạo chia sẻ: "Việc đầu tiên là người thợ phải nung nóng ống tuýp thủy tinh để kéo ra từng khúc ngắn. Sau đó thợ thổi khí vào những tuýp thủy tinh đã được hơ nóng, làm phồng lên và tạo hình theo ý muốn".
"Đặc biệt, nghề này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, tỉ mỉ và đôi bàn tay thật khéo léo. Người mới làm sản phẩm rất dễ bị hỏng hoặc bỏng tay, dẫn đến không cho ra một sản phẩm như ý", ông Thạo nói thêm.
Những bước tạo hình thủy tinh đầy điêu luyện của ông Thạo.
Đa số các mẫu mã mặt hàng sẽ tùy theo nhu cầu của khách hàng mà người thợ sẽ chế tác. Hiện xưởng nhà ông Thạo chủ yếu làm cốc nước uống cho chim ăn bằng thủy tinh.
Ông Thạo cho biết thêm: "Nhiệt độ để nung nấu được thủy tinh phải nóng từ 700 - 1.000 độ C. Nhiệt độ ngoài trời hôm nay hơn 30 độ C thì trong nhà phải lên tới 40 độ, như cái lò bát quái. Làm mà mồ hôi ướt như tắm”.
Ông Thạo rất cẩn thận trong từng công đoạn chế tác sản phẩm. Bởi vậy mà mỗi sản phẩm thủy tinh do ông chế tác ra đều mang giá trị cao về kinh tế.
Hiện tại, xưởng chế tác thủy tinh nhà ông Thạo có 4 người thợ, tất cả đều miệt mài bên ngọn lửa đỏ rực giữa thời tiết ngày hè nắng nóng.
Người thợ với tư thế miệng thổi thủy tinh, tay xoay hoặc vuốt để tạo hình sản phẩm theo ý muốn.
Bằng kinh nghiệm, mỗi người thợ làm nghề thổi thủy tinh có thể nhìn qua ánh lửa để phán đoán được nhiệt độ và biết được "độ chín" của thủy tinh để có thể tạo hình.
Sản phẩm thủy tinh sau khi thành phẩm.
Ra đời từ những năm 1960, làng nghề thủy tinh xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã trải qua nhiều thăng trầm. Trước đây, nhà nào cũng liên tục đỏ lửa, tạo ra những sản phẩm thủy tinh trang trí, thủy tinh ứng dụng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Theo thời gian, đến nay cả xã chỉ còn khoảng 20 người theo nghề thổi thủy tinh. Thậm chí, những người trẻ theo nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn