Người đàn ông có dòng máu đặc biệt, cứu sống hơn 2 triệu trẻ em
Thoát chết nhờ 13 lít máu hiến tặng của những người lạ mặt, kể từ đó, ông James Harrison quyết định sẽ đem dòng máu của mình giúp đỡ người khác.
Bề ngoài, James Harrison chỉ là một công dân bình thường với sở thích sưu tập tem, đi dạo gần bờ biển trung tâm của Australia. Nhưng ít ai biết, đây là người đàn ông có “cánh tay vàng”, đã hiến máu cứu sống hơn 2 triệu trẻ em trên thế giới.
Thoát chết nhờ máu hiến tặng của người khác
“Người đàn ông có cánh tay vàng” - James Harrison - sinh ngày 27/12/1936 tại Australia sở hữu dòng máu có chứa thành phần đặc biệt chữa được bệnh Rhesus. Ông đã hiến máu hơn 1.000 lần trong suốt cuộc đời mình.
Theo Dịch vụ máu của Hội Chữ thập đỏ Australia, lượng máu này ước tính đã được sử dụng để cứu sống hơn hai triệu trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ khỏi căn bệnh trên.
Năm 1951, khi mới 14 tuổi, ông phải phẫu thuật cắt bỏ phổi và cần truyền 13 lít máu. Chính giọt máu của những người vô danh đã cứu sống James thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Kể từ đó, ông quyết định sẽ hiến máu cứu người khi tròn 18 tuổi.
Hiến máu hơn 1.000 lần trong đời
James bắt đầu hiến máu vào năm 1954. Sau những lần đầu tiên, các bác sĩ phát hiện trong máu của người đàn ông này có chứa một thành phần đặc biệt.
“Ở Australia, cho đến khoảng năm 1967, có hàng nghìn trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm, bác sĩ không biết lý do là gì”, Jemma Falkenmire, thành viên Dịch vụ Máu chữ thập đỏ Australia giải thích. Phụ nữ bị sẩy thai nhiều lần, em bé sinh ra bị tổn thương não. Đó là kết quả của bệnh Rhesus.
Bệnh Rhesus là tình trạng một người mẹ có nhóm máu âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu dương. Đây còn gọi là bệnh tán huyết trẻ sơ sinh - biến chứng xảy ra sản phụ sản xuất kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu có Rh-dương của em bé.
Australia là một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện ra người hiến máu chứa kháng thể giúp điều trị loại thuốc tiêm Anti-D ngăn ngừa tình trạng tán huyết trẻ sơ sinh. Do đó, thời điểm James cung cấp máu cho các tổ chức y tế khiến nó trở thành một cuộc cách mạng.
"Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của James đặc biệt phi thường", Falkenmire nói. Tại Australia, hơn 17% phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Rhesus. Dòng máu James hiến là cứu tinh cho họ.
Những đứa trẻ hồi sinh từ dòng máu quý
Một trong những đứa trẻ sống sót nhờ dòng máu mà ông James hiến tặng đó là bé Samuel (sinh năm 2015). Mẹ của bé, chị Kristy Pastor, lần đầu tiên được tiêm Anti-D trong lần mang thai thứ hai. Với kháng thể của James Harrison trong máu, cô bé Samuel - con thứ 4 của chị Kristy - đã chào đời hạnh phúc và khỏe mạnh.
"Họ chỉ nói rằng tiêm vaccine sẽ hết nguy cơ mắc bệnh Rhesus", Kristy chia sẻ với CNN, "tôi đã không nghĩ thêm về điều đó cho đến khi biết loại thuốc mình tiêm có được là nhờ James hiến máu. Ông ấy mới tuyệt vời làm sao!”. Chị Kristy là một trong hàng triệu bà mẹ cảm thấy biết ơn sự đóng góp, hy sinh của ông James. Số đó còn có cả con gái ông, Tracey.
Các bác sĩ vẫn chưa thể lý giải vì sao người đàn ông có cánh tay vàng lại sở hữu loại kháng thể đặc biệt trong máu. Họ đặt giả thuyết rằng có thể do ca phẫu thuật phổi khi còn nhỏ của James.
Ông James là một trong số 50 người Australia sở hữu loại kháng thể đặc biệt trong máu. Khác với máu thông thường, người hiến huyết tương có thể hiến 2-3 tuần/lần. Do đó, đến tháng 5/2011, ông James đã hiến máu lần thứ 1.000. Trung bình cứ 3 tuần ông hiến máu một lần, liên tục hơn 60 năm.
Sự cống hiến cho y học của James Harrison đã trở thành một huyền thoại. Năm 2015, Guinness World Records ghi nhận ông là “người đàn ông có cánh tay vàng”. Chia sẻ về những kỷ niệm khi hiến máu, ông James cho biết trong từng ấy lần tình nguyện, chưa bao giờ ông nhìn chiếc kim đâm vào tay mình.
"Tôi nhìn lên trần nhà hoặc các y tá, có thể nói chuyện với họ một chút, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn kim tiêm trong tay. Tôi không thể chịu được cảnh máu me hay sự đau đớn”, những chia sẻ này càng cho thấy sự hy sinh, nỗ lực phi thường của người đàn ông đến từ Australia.