Người đàn ông có nhịp tim chậm

Nam bệnh nhân ở Cần Thơ từng bị ngất, có bệnh lý nền tăng huyết áp và nhồi máu não nhưng nhiều lần từ chối đặt máy tạo nhịp tim.

Ngày 27/4, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết đơn vị đã thuyết phục được ông T.V.G. (100 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Những lần kiểm tra sức khỏe trước đây, bệnh nhân từ chối đặt máy tạo nhịp tim dù bác sĩ chỉ định.

Sáng 22/4, ông G. được người thân chở vào bệnh viện trong tình trạng hoa mắt, choáng váng và dọa ngất. Gia đình cho biết bệnh nhân từng bị ngất, có bệnh lý nền tăng huyết áp, nhồi máu não nhiều năm.

Kiểm tra điện tâm đồ, bác sĩ phát hiện nhịp tim của ông G. siêu chậm, chỉ 36-38 lần mỗi phút.

 Bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi làm thủ tục cho ông G. xuất viện. Ảnh: T.P.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi làm thủ tục cho ông G. xuất viện. Ảnh: T.P.

Sau khi được bác sĩ khoa Nội Tim mạch BVĐKTWCT đặt máy, nhịp tim bệnh nhân đạt 60 lần. Ngày 25/4, bác sĩ thực hiện thủ thuật trong 60 phút để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho ông G. Chiều 27/4, ông G. được xuất viện.

Bác sĩ khoa Nội Tim mạch Thân Hoàng Minh cho biết rối loạn nhịp tim thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh nhân có thể không mắc tiền sử bệnh tim hoặc các bệnh khác.

Rối loạn nhịp tim phần lớn do hậu quả của tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành gây ra. Ở người già, loạn nhịp tim là một nguyên nhân quan trọng gây tử vong, suy giảm khả năng vận động, thường xuyên phải nhập viện.

“Khi nhịp tim quá chậm, 30-40 nhịp/phút, thậm chí dưới 30 nhịp/phút sẽ dẫn đến lưu lượng máu lên não giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp oxy và năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Não bị thiếu máu, bệnh nhân sẽ hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, giác quan sút kém, trí óc chậm chạp, khả năng gắng sức kém và có thể ngất”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-co-nhip-tim-cham-post1208765.html