Người đàn ông đau nhức, phải đến viện do sai lầm nhiều người hay mắc khi lấy ráy tai

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện ống tai của bệnh nhân nhiều ráy, thành ống tai có điểm tổn thương, đọng máu do thói quen tự dùng tăm bông ngoáy tai.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nam Đ.Đ.C (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) đến khám sau khi tự dùng tăm bông ngoáy tai và có triệu chứng đau nhức, ù tai.

Qua hình ảnh nội soi cho thấy, ống tai của bệnh nhân nhiều ráy, thành ống tai có điểm tổn thương, đọng máu. Các bác sĩ đã tiến hành lấy ráy tai, vệ sinh và làm thuốc tai cho người bệnh.

Hình ảnh tổn thương thành ống tai của bệnh nhân sau khi dùng tăm bông ngoáy tai. Ảnh: TTYT huyện Yên Lập.

Hình ảnh tổn thương thành ống tai của bệnh nhân sau khi dùng tăm bông ngoáy tai. Ảnh: TTYT huyện Yên Lập.

Trước đó, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, mỗi tháng bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp tổn thương tai do tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày liên quan đến lấy ráy tai, trong đó có dùng tăm bông ngoáy tai.

Theo TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, các thói quen gây hại cho tai hầu hết mọi người mắc phải đó lấy tăm bông để lau khô tai ngay sau khi tắm, nhét hạt nhỏ hoặc vật sắc nhọn vào tai (thường gặp ở trẻ em), nhét tai nghe vào tai với âm thanh lớn trong thời gian dài... Những hành động này tưởng như rất bình thường nhưng vô hình chung nó làm tổn thương tai.

Riêng về thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai, theo BSCKII Dương Thanh Hồng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, ráy tai được hình thành, trở thành lớp bảo vệ ống tai ngoài. Nếu dùng tăm bông ngoáy tai có thể làm mất lớp bảo vệ của ống tai ngoài.

Tai có cơ chế tự đẩy nước, ráy tai ra ngoài, trong lúc vận động hoặc chuyển động nhai của xương hàm thì ráy tai tự động bị đẩy ra. Tuy nhiên, một số trường hợp có ráy tai ướt, nhiều ráy tai, viêm ống tai cần đến bệnh viện để xử lý phù hợp, tránh gây ảnh hưởng lâu dài đối với tai cũng như sức nghe.

Những tác hại của việc lấy ráy tai không đúng cách

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập cho biết, lấy ráy tai không đúng cách gây ra một số hệ lụy như:

Xước ống tai, gây viêm nhiễm

Dùng tăm bông ngoáy tai có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Chảy máu tai do rách da ống tai ngoài là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai.

Việc ngoáy tai theo cách này rất dễ làm xước da ống tai. Khi vết thương xuất hiện trên da, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng. Ngoài ra còn làm nhiễm khuẩn ống tai ngoài, tai sẽ đau nhức, chảy mủ, ù tai, nghe kém.

Dùng tăm bông ngoáy tai tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho tai. Ảnh minh họa.

Dùng tăm bông ngoáy tai tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho tai. Ảnh minh họa.

Gây thủng màng nhĩ, mất thính lực

Thói quen thường xuyên dùng dụng cụ sắc nhọn ngoáy tai có thể vô tình làm thủng màng nhĩ, từ đó gây mất thính lực. Nếu thủng màng nhĩ để lâu ngày nếu sẽ gây viêm xương chũm làm giảm khả năng nghe nghiêm trọng và có thể gây ra những biến chứng nặng hơn do ổ nhiễm trùng lan tỏa vào các vùng cận kề kề. Một số trường hợp nặng còn có thể gây viêm tai giữa.

Lây nhiễm mầm bệnh

Một số trường hợp có thói quen ngoáy tai để lấy ráy tai sau khi cắt tóc cần thận trọng bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ dụng cụ lấy ráy tai dùng chung với nhiều người nhưng không được vệ sinh sạch sẽ.

Cách lấy ráy tai đúng cách tại nhà

- Nhúng bông gòn sạch vào nước muối sinh lý. Nằm nghiêng người sang một bên. Cho miếng bông gòn đã được làm ướt vào tai và để nguyên trong vòng 5 phút. Sau 5 phút, nằm nghiêng người lại so với hướng ban đầu để phần nước và ráy tai chảy ra ngoài. Dùng tăm bông sạch và khăn mềm để thấm và làm sạch cho tai. Tiếp tục thực hiện các bước tương tự với bên tai còn lại.

- Sử dụng thuốc nhỏ tai. Các loại thuốc nhỏ tai có chứa chất chống viêm tai, thường được sử dụng khi cần lấy ráy tai khô và cứng. Cần lưu ý trong quá trình vệ sinh, lấy ráy tai để an toàn và giảm tối thiểu các rủi ro, không sử dụng các loại que nhọn hoặc tăm bông để ngoáy sâu vào trong tai.

- Dùng tăm bông, bông gòn hoặc khăn mềm để lau và loại bỏ ráy tai tại phía bên ngoài sau khi vệ sinh.

- Không nên lấy ráy tai quá thường xuyên. Với trẻ nhỏ, nên thực hiện với tần suất từ 2 – 3 lần/tháng.

- Khi thực hiện loại bỏ ráy tai, nên tiến hành với các thao tác nhẹ nhàng, cẩn thận.

- Trong và sau quá trình lấy ráy tai hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về tai nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán tình trạng và có hướng điều trị thích hợp.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-dau-nhuc-phai-den-vien-do-sai-lam-nhieu-nguoi-hay-mac-khi-lay-ray-tai-17225010117300632.htm