Người đàn ông Đức: 'Giá xăng tăng chóng mặt, tôi phải dừng đi ôtô'
Giá xăng tăng cao trên toàn cầu khiến nhiều người xem xét lại kế hoạch di chuyển và thúc đẩy các chính phủ đưa ra các giải pháp bình ổn giá.
Tại một trạm xăng gần sân bay Cologne, Đức, ông Bernd Mueller lo lắng nhìn các chữ số nhanh chóng tăng lên trên bảng điện tử.
“Tôi sẽ dừng đi ôtô vào tháng 10, tháng 11 này. Tại một số thời điểm, bạn phải giảm quy mô chi tiêu lại", Mueller nói với AP.
Trên toàn cầu, những người đi ôtô như ông Mueller đang cân nhắc lại thói quen và tài chính cá nhân trong bối cảnh giá xăng và dầu tăng chóng mặt do tác động của xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề kinh tế hậu đại dịch. Giá năng lượng là nguyên nhân chính làm lạm phát tăng trên toàn cầu và khiến chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn, theo AP.
Sắp xếp lại cuộc sống vì giá nhiên liệu
Giá nhiên liệu đang khiến nhiều gia đình phải cân nhắc một cách nghiêm túc về các nguồn chi tiêu. Giá xăng cũng thúc đẩy nhiều người lựa chọn các phương án di chuyển mới sao cho tiết kiệm hơn.
Họ chọn đi bộ nhiều hơn, hoặc đi xe đạp, tàu điện ngầm, xe lửa hay xe buýt, xem xét lại tuyến đường mình di chuyển hàng ngày hay thậm chí là chỉ dám chạm nhẹ vào chân ga để không lãng phí nhiên liệu.
Đối với nhiều người khác, những người không có điều kiện sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay không thể không dùng ôtô cá nhân, thì chỉ còn cách chịu đựng giá xăng cao ngất ngưởng và cắt giảm chi phí đối với một số hoạt động.
Jeepney vốn là loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines, được phát triển từ những chiếc xe jeep của quân đội Mỹ bị bỏ lại sau Thế chiến II. Anh Ronald Sibeyee từng chỉ phải chi 900 peso (tương đương 16,83 USD) tiền dầu mỗi ngày để vận hành chiếc jeepney của mình. Nhưng bây giờ, chi phí lên tới 2.200 peso (41,40 USD).
“Đó lẽ ra là khoản thu nhập của chúng tôi. Bây giờ thì chẳng còn gì cả”, anh nói. Thu nhập của anh Sibeyee đã giảm khoảng 40% do giá nhiên liệu tăng cao.
Giá xăng và dầu trên thị trường là một phép tính phức tạp được tính từ chi phí dầu thô, thuế, sức mua và phụ thuộc vào sự giàu có của từng quốc gia, trợ cấp của chính phủ. Dầu được định giá bằng USD. Vì vậy, tỷ giá hối đoái đóng một vai trò nhất định khi một quốc gia muốn nhập khẩu năng lượng.
Châu Âu là điển hình chứng minh cho tầm quan trọng của tỷ giá hối đoái trong nhập khẩu dầu. Việc đồng euro yếu đi trong thời gian gần đây đã đẩy giá xăng dầu ở lục địa già lên cao.
Các yếu tố địa chính trị như xung đột ở Ukraine cũng làm giá xăng tăng. Việc các nước không nhập dầu của Nga cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm chao đảo các thị trường năng lượng vốn đang phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm do đại dịch.
Không chỉ người dân ở các nước đang phát triển chịu tác động của giá nhiên liệu tăng mà ngay cả người dân ở Mỹ hay châu Âu cũng đang đau đầu về vấn đề này.
Người Mỹ vốn ít dùng các phương tiện giao thông công cộng, trong khi mạng lưới phương tiện giao thông của châu Âu cũng không tiếp cận được với tất cả, đặc biệt là những người ở nông thôn.
Anh Charles Dupont, quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris cho biết: “Tôi tập lái xe sinh thái, nghĩa là lái xe chậm hơn và tránh phanh gấp”.
Nhiều người khác cũng đang làm tất cả trong khả năng có thể để giảm sử dụng nhiên liệu.
Một cư dân Paris khác có tên Letizia Cecinelli chia sẻ cô đang đi xe đạp và cố gắng giảm các chuyến đi bằng ôtô “nếu có thể”.
Cô nói thêm: “Nhưng nếu tôi có một đứa con và phải đưa con đi cắm trại thì chắc phải cắt giảm món pizza yêu thích”.
Đối với nhiều người, chi tiêu cho những cuộc đi chơi đêm hay cho các kỳ nghỉ hè kéo dài đang được cân nhắc thận trọng.
Isabelle Bruno, một giáo viên ở ngoại ô Paris nói: “Tôi và chồng thực sự lo lắng về những ngày nghỉ lễ vì chúng tôi thường xuyên lái ôtô khi về thăm gia đình ở miền Nam nước Pháp. Bây giờ chúng tôi sẽ cân nhắc đi bằng tàu và chỉ sử dụng ôtô để đi những chặng ngắn”.
Giải pháp
Giá xăng tăng cũng có thể là một dạng động lực thúc đẩy bước đi chính trị của các nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy Saudi Arabia cung cấp thêm dầu để giúp hạ giá khí đốt. Mỹ và các quốc gia khác cũng đã giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của họ. Tuy nhiên, động thái này có thể giúp xoa dịu tình hình nhưng không thể là giải pháp mang tính quyết định.
Các nước cũng thực hiện nhiều biện pháp khác để giảm giá xăng. Hungagy áp giới hạn giá nhiên liệu. Tại Đức, chính phủ đã giảm 35 cent tiền thuế cho mỗi lít xăng và 17 cent đối với mỗi lít dầu diesel. Tuy nhiên, giá này đã sớm tăng trở lại.
Đức cũng đã giảm 9 euro đối với giá vé tháng cho phương tiện giao thông công cộng. Điều này khiến các nhà ga trở nên đông đúc vào dịp nghỉ lễ và những ngày nghỉ cuối tuần trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, chương trình giảm giá chỉ kéo dài trong ba tháng và không thể giúp những người dân ở xa ga xe lửa có thể sử dụng.
Trên thực tế, mọi người đang đổ nhiều xăng như trước khi xảy ra đại dịch, theo Hiệp hội Trạm xăng của Đức.
Herbert Rabl, người phát ngôn của hiệp hội, cho hay: “Mọi người đang đổ xăng nhiều như trước đây. Dù phàn nàn về giá nhưng họ đang chấp nhận điều đó".
Giải pháp trong tương lai gần phụ thuộc rất nhiều vào việc tình hình chiến sự ở Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng một số một lượng dầu của Nga gần như sẽ không có trên thị trường vì Liên minh châu Âu (EU), khách hàng lớn nhất và thân thiết nhất của Nga, đã tuyên bố sẽ chấm dứt hầu hết giao dịch mua dầu từ Moscow trong vòng 6 tháng.