Người đàn ông gần 40 năm không ngủ

PTĐT - Suốt đêm qua, ông Tuất đi bẻ mấy sào ngô. Đêm trước đó, ông xới cỏ ngoài vườn. Đêm trước nữa, ông đi cắt cỏ cho bò…

Ban ngày ông đi làm khắp mọi nơi để mưu sinh, đêm xuống ông thường đi xới cỏ, bẻ ngô giúp đỡ gia đình.

Ban ngày ông đi làm khắp mọi nơi để mưu sinh, đêm xuống ông thường đi xới cỏ, bẻ ngô giúp đỡ gia đình.

PTĐT - Suốt đêm qua, ông Tuất đi bẻ mấy sào ngô. Đêm trước đó, ông xới cỏ ngoài vườn. Đêm trước nữa, ông đi cắt cỏ cho bò… và nếu có khách ngủ lại ở nhà, họ sẽ vô cùng ngạc nhiên, tưởng như có bà tiên, ông bụt nào đã hóa phép để sớm ra, những công việc còn ngổn ngang, dang dở đã đâu vào đấy. Mấy chục năm nay, ông không thấy giấc mơ, bởi vì gần 40 năm qua, ông Tuất không hề ngủ (?)

Cách UBND xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh không xa nhưng con đường vào nhà ông Nguyễn Trọng Tuất tương đối khó đi vì đêm tối và đoạn đường gồ ghề, xuống cấp. Ông Tuất vui vẻ đón chúng tôi và có lẽ đã lâu lắm ông mới có những người trò chuyện vào cái giờ mà người khác đã chuẩn bị chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao động mệt nhoài.

Ông Tuất sinh năm 1970 trong gia đình thuần nông có 5 anh chị em. Những năm khó khăn, hai người chị của ông lập gia đình sớm, có người chuyển vào sinh sống tận trong miền Nam. Hai người anh của ông là bộ đội, trong đó một người là lính tình nguyện ở Campuchia và một người tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Một buổi chiều năm 1982, gia đình nhận liền hai tờ Giấy Báo tử của hai người anh ông Tuất, từ đó, bà Nguyễn Thị Thị (mẹ ông Tuất) đâm ra đờ đẫn, không còn làm chủ được suy nghĩ, hành động. Suốt 11 năm liên tục từ thời điểm đó cho đến lúc qua đời, chưa lúc nào trên cơ thể bà lành lặn bởi những vết thương, vết bỏng do ngã vào bếp lửa, có những lần làm đổ siêu nước vừa sôi, có lần khác, bà đưa cả bàn tay mình vào trong bếp than rừng rực lửa… những vết thương lớn đến mức bà không thể mặc được quần áo, phải cuốn vải, cuốn chăn trên người. Dù vậy, những vết thương trên thịt da cũng không lớn bằng nỗi đau khi mất đi hai người con ưu tú của bà. Bà Nguyễn Thị Thị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngày 26/3/2015.Cũng kể từ năm 1982, gia đình ông Tuất rơi vào hoàn cảnh bố ốm, mẹ đau, căn nhà lụp xụp, cột tre vách đất trực chờ ngày đổ sập; mấy sào ruộng xấu chẳng đủ cơm gạo qua ngày, tiền vay nặng lãi khắp nơi để chữa bệnh cho bố, mẹ đã đến ngày phải trả… Nhiều bận chạy vào rừng hoặc chui vào chuồng trâu để trốn người đòi nợ, những lúc tiếng bát sắt quèn quẹt vào đáy chum gạo cũng cồn cào như tiếng ọc ạch trong dạ dày… người thiếu niên Nguyễn Trọng Tuất lúc ấy mới 12 tuổi rơi vào cùng quẫn bởi sự khó khăn. Những đêm dài triền miên, ông chẳng thể nào chợp mắt và “nỗi sợ” thôi thúc ông đứng dậy, vác cuốc, xách liềm ra đồng làm việc, lao động.

Dù cuộc sống còn nghèo khó, vất vả, nhưng vợ chồng ông Tuất vẫn luôn lạc quan, vui vẻ.

Dù cuộc sống còn nghèo khó, vất vả, nhưng vợ chồng ông Tuất vẫn luôn lạc quan, vui vẻ.

Được biết và có số điện thoại của ông Tuất khá lâu, nhưng mãi rồi chúng tôi mới sắp xếp được một cuộc hẹn, bởi ban ngày, ông đi làm ở khắp mọi nơi theo kiểu “đâu có việc là ta cứ đi”. Làn da cháy nắng; vai gày nhấp nhô; dáng người cao và đôi tay nhanh thoăt thoắt; mắt nheo nheo do chứng thoái hóa võng mạc khiến ông khó nhìn ra phía xa nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, vui vẻ và không có biểu hiện của sự mệt mỏi sau một ngày sả sức cho công việc chân tay nặng nhọc.Ông Tuất và bà Nguyễn Thị Doan xây dựng gia đình năm 1999 và có hai con. Đã gần 40 năm qua, ngày nào cũng vậy, ông Tuất bắt đầu ngày mới từ lúc 6h sáng với công việc sẻ gỗ, vác gỗ lâm nghiệp hoặc làm nghề đào, đánh cây cảnh, cây môi trường suốt dọc mạn Phù Ninh, Đoan Hùng và lên cả tỉnh bạn Tuyên Quang; cũng có khi xuôi xuống Việt Trì, Vĩnh Phúc. Trở về nhà lúc trời đã tối mịt, dành một khoảng thời gian ngắn cho việc nghỉ ngơi, xem ti vi hoặc nhắc nhở các con học bài, ông lại bắt tay vào những công việc của nhà nông không kém phần vất vả. Từ nửa đêm cho đến sáng hôm sau, có lúc ông làm cỏ, chăm cây trong vườn; lúc bẻ ngô, thu dọn ngoài bãi; có khi còn đi làm giúp cả những công việc của hàng xóm, láng giềng hoặc người thân ở những xã bên. Ông Tuất chia sẻ rằng có nhiều đêm mưa gió không thể ra đồng, ông đã cố gắng ngủ, như để tìm thấy giấc mơ giống một người bình thường, nhưng trằn trọc mãi rồi lại bật dậy chứ chẳng thể chợp mắt. Tuy đã gần 40 năm không chợp mắt nhưng ông Tuất vẫn khỏe mạnh và tự tin rằng mấy chục năm qua chưa hề biết “nhức đầu, sổ mũi”, ốm đau là gì. Nếu có điều kiện và tuổi còn trẻ hơn, ông sẽ xin đi xuất khẩu lao động, hoặc xin làm bảo vệ, công nhân ở các khu công nghiệp để có công việc và thu nhập ổn định hơn.Ông Trần Ngọc Diễn, người hàng xóm, người bạn thân của ông Tuất chia sẻ: “Từng có thời tôi là chủ nợ, ông Tuất là con nợ, con bây giờ ông Tuất là người thợ của tôi. Sống cùng nhau, đi làm cùng nhau đã mấy chục năm, ông Tuất là người mà tôi tin tưởng nhất trong nhóm, cả về tay nghề, trách nhiệm và cách sống, cách làm. Biết bạn không ngủ, ban đầu tôi lo lắng cho sức khỏe vì công việc của chúng tôi tương đối vất vả, thế nhưng suốt mấy chục năm qua, chúng tôi vẫn đi làm cùng nhau và không thấy ông Tuất có biểu hiện buồn ngủ, mệt mỏi gì. Anh em thợ chúng tôi đã nhiều lần cá cược về việc ông Tuất không ngủ, thậm chí đã có nhiều ngày chúng tôi cắt cử người trực để chứng minh điều này nhưng tất cả những ai không tin thì đều… thua cuộc”.Tuy nghèo khó nhưng cuộc sống của gia đình người đàn ông gần 40 năm không ngủ ấy vẫn êm đềm trôi, ông làm việc gấp đôi người khác, bà làm ruộng, hái chè, vun vén cho gia đình, nuôi dạy con cái. Năm 2004, từ chương trình xóa nhà tạm, được hỗ trợ một chút kinh phí, ông vay mượn và xây dựng ngôi nhà cấp 4 vững vàng, rộng rãi hơn. Chìa đôi tay chai sạn về phía chúng tôi, người đàn ông gần 40 năm không ngủ Nguyễn Trọng Tuất bộc bạch: “Tôi chỉ được học đến lớp 7, kiến thức không có nhiều, mắt mũi lại tèm nhèm nên có dám mơ gì xa xôi, chỉ ước sao mình tiếp tục có được sức khỏe để làm việc, lao động, để nuôi con đến lúc trưởng thành, dạy con cái lương thiện, sống tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình có công với cách mạng”.

Hoàng Giang - Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201910/nguoi-dan-ong-gan-40-nam-khong-ngu-167074