Người đàn ông gần 90 kg sốc phản vệ chỉ sau ít phút bị ong vàng tấn công
Nam bệnh nhân 40 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng, khó thở, tức ngực… sau ít phút bị ong vàng đốt lúc làm vườn.
Suýt rơi vào hôn mê sau khi bị ong vàng đốt
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa thông tin, chiều tối 14/6, tại đây đã cấp cứu nam bệnh nhân tên N.X.T, 40 tuổi (Đoan Hùng – Phú Thọ) bị sốc phản vệ nặng do ong vàng đốt.
Theo người nhà, trong khi dọn vườn nhà, anh N.X.T, không may bị đàn ong vàng đốt. Vốn là kĩ sư thiết bị y tế, đồng thời hiện cũng đang công tác tại bệnh viện nên hiểu được tình trạng của mình có thể có nguy cơ phản vệ với nọc ong nên bệnh nhân được người nhà nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu khẩn.
Chỉ sau đó ít phút sau khi ong đốt, bệnh nhân cảm thấy triệu chứng hồi hộp, tức ngực khó thở tăng nhiều. Diễn biến sau đó rất nhanh, quãng đường từ nhà tới bệnh viện chỉ hơn 1 km nhưng khi tới trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương, nạn nhân đã rơi vào trạng thái tiền hôn mê, thở rít, SpO2 dưới 80%, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, da, niêm mạc toàn thân tím tái ...
Ngay lập tức, êkíp trực đã xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch.
Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Xử trí ra sao khi bị ong đốt?
Đây là một loại tai nạn cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt. Rất nhiều trường hợp không được xử trí đúng cách dẫn tới tình trạng nhiễm độc nặng và mất rất nhiều thời gian điều trị. Nọc độc của loài ong khi được tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn tới nguy cơ suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân.
Theo các bác sĩ cách xử trí khi bị ong đốt cần thực hiện như sau: Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể. Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn. Bạn có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.
Tiếp đó, người nhà nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt. Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.
Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
Nếu có những biểu hiện dưới đây, cần phải đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt: Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ...
Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
Trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chí khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.