Người đàn ông giết chết vợ: 'Giá như tôi tỉnh táo hơn'
Mụ mị đầu óc trước cảnh ngặt của gia đình, người chồng đã giết chết vợ, để rồi phải sống trong nỗi ân hận và giằng xé tâm can suốt phần đời còn lại
Hôm ấy, TAND TP HCM mở phiên xét xử bị cáo H.Q.Đ (56 tuổi, TP HCM) về tội "Giết người", nạn nhân là người "đầu ấp tay gối" với bị cáo hơn 23 năm qua.
Mái nhà đầm ấm
Vợ chồng bị cáo Đ. cùng con trai (SN 1998) và cha vợ (SN 1940) sống cùng căn hộ chung cư cũ của em vợ bị cáo.
Năm con trai bị cáo 8 tuổi, vợ bị cáo bị tai biến nặng, không còn khả năng lao động. Bị cáo đang làm thuê tại một xưởng mộc thì bị đuổi việc vì thường xuyên xin nghỉ làm để chăm sóc vợ con. Để có tiền lo cho gia đình, bị cáo đi bán diều dạo. Vợ bị cáo không đi lại được nên thường lo sợ chồng bỏ đi với người phụ nữ khác. Thương vợ, bị cáo chở bà theo bán diều. Đi từ sáng đến chiều muộn mới về nhà, thu nhập tuy không ổn định nhưng cũng có đồng ra đồng vào.
Nhà ở lầu 2, ngày nào bị cáo cũng ẵm bồng vợ lên xuống cầu thang để cùng đi bán. Bị cáo còn "thiết kế" cho vợ chiếc ghế gỗ đặt lên xe để bà ngồi được thoải mái nhất. Buôn bán được bao nhiêu tiền, bị cáo đều đưa vợ giữ. Đến Tết, bị cáo còn nhận đánh bóng lư đồng kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát, cả gia đình đều nhiễm bệnh, mỗi người được đưa đi cách ly mỗi nơi. Đến khi khỏi bệnh, bị cáo nhận được tin báo hai chân vợ đã bị liệt, đôi tay rất yếu, bà còn phải chạy thận để giữ tính mạng…
Đón vợ từ khu cách ly, bị cáo và con trai đưa bà đến Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP HCM) để điều trị.
Sáng hôm đó, bà lấy tiền đưa cho bị cáo mua đồ ăn sáng rồi thở dài vì trong túi chỉ còn khoảng 400.000 đồng. Bà nói với chồng, nhiều bệnh thà chết còn sướng hơn. Bị cáo nhìn vợ đáp: "Em mà chết thì anh chết theo em". Bị cáo mua đồ ăn sáng về đút cho vợ nhưng bà không ăn, trách bị cáo không giữ lời hứa chết cùng nhau trước đó.
Bị cáo đặt hộp thức ăn xuống giường rồi bỏ ra ngoài. Hơn 1 giờ sau, bị cáo trở vào phòng bệnh với một ổ điện và một cây tua-vít mới mua. Bị cáo đưa vợ cầm một đầu dây điện và cắm điện. Sau khi vợ chết, bị cáo 6 lần (5 lần cột dây điện vào cổ tay rồi cắm điện, 1 lần nhảy lầu) tự tử nhưng được cứu kịp thời.
Nhân đạo và công bằng
Tại phiên tòa, người giữ quyền công tố nghẹn ngào nói khi thụ lý vụ án này, bà rất trăn trở vì hoàn cảnh đau lòng của vợ chồng bị cáo. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đó cũng là sự công bằng cuối cùng đối với người đã chết.
Chủ tọa phiên tòa hỏi con trai bị cáo: "Những ngày mẹ nằm viện, ba đối xử với mẹ như thế nào?". T. kể bị cáo đã chăm sóc cho mẹ trong những ngày nằm viện và cả suốt nhiều năm trước đó. Gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau nhưng đầm ấm, hạnh phúc. T. nói rằng bị cáo chăm chỉ làm ăn, kiếm được bao nhiêu tiền đều dùng để chữa bệnh cho mẹ. Bị cáo phải đi vay mượn cho con học hết lớp 12. Khi T. vừa ra trường thì dịch bệnh ập đến, bị cáo cũng không đi bán được trong khi nợ nần ngày càng chồng chất. Tính riêng tiền phòng, tiền thuốc cho vợ, mỗi tuần phải hết 5 triệu đồng. Cộng trước cộng sau, gia đình nợ khoảng 100 triệu đồng. Khoản tiền này không biết bao giờ mới trả hết bởi họ đang trong cảnh thất nghiệp vì dịch bệnh.
Vừa giận vừa thương, vị chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: "Bị cáo đã rất yêu vợ, không ngại khó, ngại khổ ở cạnh bên chăm sóc cho vợ hơn 15 năm qua. Vì sao đến phút đó, bị cáo lại hành xử như vậy?".
Đứng ở bục khai báo với mái tóc đã điểm hoa râm, bị cáo cúi đầu, giọng đứt quãng trả lời trong gần 1 năm bị tạm giam, bị cáo rất hối hận vì hành vi phạm tội của mình. "Cái ngặt nghèo của cảnh nhà lúc bấy giờ làm đầu óc bị cáo mụ mị" - bị cáo Đ. nói.
Trước tòa, con trai bị cáo Đ. mong được tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt để cha sớm về với gia đình. T. bày tỏ: "Chuyện mẹ chết nhưng ba còn sống, ba tôi không muốn đâu. Ba đã muốn được giải thoát cùng mẹ. Hơn 15 năm qua, một mình ba cực khổ nuôi tôi ăn học, nuôi mẹ bệnh và ông ngoại thương binh nhưng ba đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, không một lời than vãn. Kính mong HĐXX xem xét cho ba sớm về với gia đình, với ông ngoại đã già yếu, ngày nào ngoại cũng trông ba về".
Tòa tuyên phạt 7 năm tù
Nghịch cảnh của bị cáo, bị hại khiến những người dự khán lặng đi. Duy tiếng khóc của em gái bị hại suốt từ khi bắt đầu phiên tòa vẫn không ngừng vang lên. Cô khóc cho cảnh éo le của vợ chồng chị gái mình. "Anh Hai sống có hiếu lắm. Trước đó mấy ngày, cả nhà đều đi cách ly, chị Hai gọi cho tôi nói anh Hai, chị Hai sắp đi xa rồi, đi tới chỗ này vui lắm nhưng tôi nghĩ chị nói giỡn" - người em gái kể.
Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đ. 7 năm tù.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/gia-nhu-toi-tinh-tao-hon-2022100721461534.htm