Người đàn ông lao vào cứu người trên đường ray, chỉ 1 giây trước khi tàu đi tới
Nhìn thấy có người bước đi qua đường ray mà không hề chú ý trong khi đoàn tàu đang sầm sập tới gần, một người đàn ông ở Việt Nam đã bất chấp nguy hiểm, lao vào cứu. Tình huống này được ghi lại bởi một camera quan sát và được đăng lên cả báo nước ngoài, khiến nhiều cư dân mạng nước khác cũng ngạc nhiên.
Đi bộ băng qua đường sắt là việc đòi hỏi sự chú ý cao độ và khẩn trương nhất có thể. Nhưng không phải ai cũng ghi nhớ điều này.
Gần đây, có một vụ việc thót tim đã xảy ra ở nước ta (không ghi rõ tên tỉnh thành), cho thấy mức độ nguy hiểm của việc không tập trung khi đi bộ, nhất là khi đi ngang qua đường sắt.
Đây là video:
Trong video trích từ camera quan sát, được ghi là ngày 4/1/2025, có thể thấy một người (mặc áo đen) đang lững thững đi bộ và chuẩn bị băng qua đường ray tàu hỏa. Tàu đang tới gần nhưng người này vẫn không hề để ý.
Trong khi đó, một người ở phía bên kia đường ray (áo màu sáng) đã cố gắng cảnh báo người áo đen, nhưng không ăn thua. Vì tàu đang đến rất gần, người mặc áo sáng màu đành lao tới đẩy người mặc áo đen tránh ra khỏi đường ray. Chỉ 1 giây sau thì tàu hỏa chạy tới.
Thật may là không ai bị thương.
Sự việc này đã được đăng trên một số trang báo của Singapore. Netizen đều tỏ ra khâm phục, thậm chí ngạc nhiên trước hành động dũng cảm của người đàn ông mặc áo sáng màu, vì rõ ràng bản thân người đó cũng gặp nguy hiểm. Đồng thời, ai cũng trách người mặc áo đen không chú ý khi đi, gây nguy hiểm cho cả người khác.
Đây lại là một lời nhắc nhở nữa về việc tập trung và làm đúng quy định khi đi trên đường, dù là đường ở đâu hoặc đi bằng gì đi nữa.
“Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi” (Trích từ trang web của Cục Cảnh sát Giao thông).